Môtô cổ quý hiếm BMW R50 dạo phố Sài thành
Ra đời tại Đức cách đây nửa thế kỷ, những chiếc mô tô BMW R50 gần như đã đi vào “huyền thoại“ như mẫu xe có thiết kế chuẩn mực dành cho phái mạnh.
Trên toàn thế giới, tuy đã có ít nhất trên 19.000 chiếc xuất xưởng (trong vòng đời sản phẩm từ năm 1960-1969) nhưng ngày nay hầu hết chúng đã hóa thành sắt vụn. Tại Việt Nam, số lượng môtô BMW R50 chỉ còn đếm trên đầu ngón tay tuy rằng giá trị xe theo thời giá hiện nay khoảng 600 triệu đồng. Đó là con số rất lớn so với giá gốc của xe khi xuất xưởng. Nhưng có lẽ cũng dễ hiểu vì ngày nay xe này thậm chí vô giá!
Logo trên mũi chắn bùn bánh trước.
Mạc gin hiển thị thông tin sản phẩm của nhà sản xuất gắn trên xe.
Từ năm 1923-2007, tổng số 135 mẫu môtô R của BMW đã ra đời, với rất nhiều phiên bản nổi bật như Single Carb, Twin Carb, Military, Luxus Sport, Mono, Mono incl. R100LT, Sidecar Unit, Basic&Kalahari, Mystic, Adventure, Rockster, Avantgarde, Classic, Independent, Montauk. Riêng loạt môtô R (Roadster) trang bị động cơ tầm 500 phân khối góp mặt 5 đại diện gồm: R50, R50/2, R50/5, R50S, R50US. Tiêu biểu nhất của R-serie gần đây nhất có thể kể đến mẫu xe địa hình R1200GS với 100.000 chiếc tới tay khách hàng trong chưa đầy 4 năm, một kỷ lục trong lịch sử hãng môtô hạng sang Đức.
Ngay từ đầu những năm 1970 đến tận hiện nay, BMW đã tung ra những chiếc môtô tay cầm lái cao, phù hợp các kết quả nghiên cứu nhân trắc học hơn, tạo ra bước ngoặt khi chia tay vĩnh viễn kiểu môtô tay cầm thấp. Nhưng dường như khá nhiều cánh đàn ông chơi môtô vẫn lưu luyến và tự tin khi cầm lái những chiếc môtô BMW như R50, tuy phải khòm lưng.
Thiết kế đậm phong cách phái mạnh
R50, một trong những “đứa con” ưu tú của “người mẹ” lớn – công ty BMW, có thiết kế đẹp so với nhiều mẫu môtô cổ khác.
Yên ngồi kiểu đơn trông nam tính mạnh mẽ hơn hẳn yên xe nguyên thủy liền khối dáng thô.
Bản thân xe nặng hơn một số môtô dòng R khác và có thể tải trọng lượng lên tới 360kg. Khung xe làm bằng thép ống cấu trúc kiểu khung đôi lồng chim bảo đảm độ cứng vững và ổn định.
Khối động cơ kiểu hai máy nằm ngang đối đỉnh đồ sộ, với hai nắp chụp quy lát và hai bình xăng con nhô ra hai bên hông xe, kết hợp chụp pô “e” rất to.
Động cơ không những bề ngoài hoành tráng mà còn vận hành êm ái, bền bỉ, tăng tốc chậm, sức kéo rất mạnh.
Vào tháng 6/1967, nhà sản xuất Đức rất chu đáo khi giới hạn độ ồn của động cơ từ 72 đến tối đa 84 dB. Có thể nói môtô động cơ khoảng 500 phân khối trở lại là vừa sức với hầu hết đàn ông vóc người châu Á, kết hợp yên xe thấp càng khiến R50 trở thành chiếc xe thân thiện với hầu hết người tiêu dùng khu vực này. Khi chạy cũng rất an tâm vì tuy là xe cổ nhưng trang bị hệ thống dây điện an toàn chất lượng cao của nhà sản xuất uy tín hàng đầu thế giới Bosch. Nhưng rõ ràng khó có cảm giác an toàn thực sự vì xe không có gương chiếu hậu và đèn xi-nhan gắn ngay chuôi tay cầm lái nhìn lạ mắt và đầy kiểu cách nhưng dễ bị che khuất.
Chạy đường trường nhanh và cân bằng tốt
Cũng như nhiều loại môtô cổ khác, quá trình khởi động xe khá rườm rà. Tôi phải đứng bên hông trái xe mới thuận chân và đủ lực đạp ga. Xe tua máy chậm nên khi đạp phải nhồi nhẹ cần đạp 5-7 lần, phối hợp vặn tay ga nhịp nhàng, sau đó cảm giác đến tầm nổ của động cơ (thông qua tiếng grù… grù… trong lốc máy) thì đạp mạnh một lần. Tay ga nhạy, chỉ cần khẽ vặn ga là động cơ nhanh chóng gầm gào. Tiếng máy ga-răng-ti khá êm, đôi lúc nghe lụp bụp… có lẽ do xăng xuống chậm. Vặn ga-răng-ti hết cỡ thì ống pô phụt chút khói đen nhưng tiếng nổ vẫn nghe nhỏ bất ngờ, không như mường tượng về chiếc môtô cổ bề thế.
Hộp số có tỷ số truyền động kiểu 4-2-1-1 cho thấy chiếc xe có cú đề-pa khá mạnh mẽ và những bước chuyển số tiếp theo rất êm mượt, các thao tác chuyển số hầu như không phát tiếng động lớn hoặc bất thường.
Thân xe nặng, yên xe dềnh dàng nên ngồi lái kém linh hoạt, dễ đảo lắc khi đi tốc độ chậm. Tuy cấu trúc cổ lái chắc chắn nhưng không thể xoay tay lái nhanh vì trọng tâm xe thấp và trục bánh xe đường kính to nặng. Góc bẻ lái hẹp nên bán kính quay vòng lớn, xe không thể ôm cua gắt. Kinh nghiệm lúc này là linh hoạt đảo người giữ thăng bằng chuyển hướng xe chứ không chỉ ghì giữ tay lái. Khi chạy tốc độ cao, buông lỏng tay ga nhanh rồi giữ yên vị trí này thì cảm giác xe vẫn “trôi” nhẹ nhàng, máy không lì. Quá trình leo dốc dài thì xe chậm lúc đầu nhưng về sau tăng tốc tốt, không cảm giác hụt hơi. Lốc máy tỏa nhiệt khá lớn khi chạy trong thành phố, nhưng vẫn “mát mẻ” hơn khi cưỡi một số mẫu môtô cổ khác. Ngoài xa lộ, R50 chinh phục lộ trình TPHCM đến Đà Lạt, Huế… với tốc độ có lúc lên trên 100km/h vẫn chạy tốt.
Tham khảo trang web bmbikes.co.uk hoặc vintagebike.co.uk mới thấy thế giới rộng lớn của dòng môtô cổ BMW R-Serie, là những model xuất xưởng năm 1923 đến cuối những năm 1960. Có bề dày lịch sử được biết như mẫu xe có động lực mạnh mẽ, sức bật dẻo dai trên mọi nẻo đường, dễ hiểu vì sao môtô R-Series được nhiều người sử dụng. Trên thế giới có cả tổ chức gặp gỡ giao lưu giữa những người say mê loại môtô cổ này, gọi là BM Riders Club (xem thêm trang bmridersclub.com, bmw-club.org.uk).