Khi nào được xác định là xung đột lợi ích và xử lý xung đột lợi đó như thế nào?

Khi nào được xác định là xung đột lợi ích và xử lý xung đột lợi đó như thế nào? (31/08/2022)

Xung đột lợi ích là tình huống mà trong đó lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc người thân thích của họ tác động hoặc sẽ tác động không đúng đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ. Xung đột lợi ích được biểu hiện dưới nhiều tình huống và mức độ ảnh hưởng khác nhau tới hoạt động công vụ. Xung đột lợi ích có thể xảy ra trong hoạt động quản lý, điều hành của bất kỳ cơ quan, tổ chức, đơn vị nào với những tình huống khác nhau.

Nhằm cụ thể hoá các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 về kiểm soát xung đột lợi ích, đảm bảo thống nhất trong cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích, đảm bảo thống nhất trong cơ chế kiểm soát xung đột lợi ích, Điều 29 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng đã cụ thể hoá 09 trường hợp xung đột lợi ích sau đây:

– Một là, nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình;

– Hai là, thành lập, tham gia quản lý, điều hành doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh, hợp tác xã, từ trường hợp luật có quy định khác;

– Ba là, tư vấn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác ở trong nước và nước ngoài về công việc liên quan đến bí mật nhà nước, bí mật công tác, công việc thuộc thẩm quyền giải quyết hoặc tham gia giải quyết;

–  Bốn là, sử dụng những thông tin có được nhờ chức vụ, quyền hạn của mình để vụ lợi hoặc để phục vụ lợi ích của tổ chức hoặc các nhân khác;

– Năm là, bố trí vợ hoặc chồng, bố, me, con, anh, chị, em ruột của mình giữ chức vụ quản lý về tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỷ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc giao dịch, mua bán hàng hoá, dịch vụ, ký kết hợp đồng cho cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình là người đứng đầu hoặc cấp phó của người đứng đầu;

– Sáu là, góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề do mình trực tiếp thực hiền việc quản lý nhà nước hoặc để vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con kinh doanh trong phạm vi nghành, nghề do mình trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước;

– Bảy là, ký kết hợp đồng vơi doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị,em ruột hoặc để doanh nghiệp thuộc sở hữu của vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột tham gia dự các gói thầu của cơ quan, tổ chức, đơn vị đó;

– Tám là, có vợ hoặc chồng, bố, mẹ, con, anh, chị, em ruột là người có quyền lợi ích trực tiếp liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ của mình;

– Chín là, can thiệp hoặc tác động không đúng đến hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẳm quyền vì vụ lợi.

Khi xuất hiện tình huống xung đột lợi ích thì việc xử lý là rất cần thiết nhằm ngăn ngừa hành vi tham nhũng có thể xảy ra. Do đó, khoản 3 Điều 23 Luật Phòng, chống tham nhũng quy định: “3. Người trực tiếp quản lý, sử dụng người có chức vụ, quyền hạn khi phát hiện có xung đột lợi ích và nếu thấy việc tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, công vụ không bảo đảm tính đúng đắn, khách quan, trung thực thì phải xem xét, áp dụng một trong các biện pháp sau đây: “a) Giám sát việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; b) Đình chỉ, tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ được giao của người có xung đột lợi ích; c) Tạm thời chuyển người có xung đột lợi ích sang vị trí công tác khác”

Như vậy, trong việc xử lý xung đột lợi ích, việc áp dụng biện pháp nào sẽ do người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị quyết định căn cứ vào từng tình huống, trường hợp cụ thể và đặc thù của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Theo đó, từng nội dung, biện pháp sẽ được quy định cụ thể tại Điều 32, 33, 34 Nghị định số 59/2019/NĐ-CP. Ngoài ra, trong trường hợp pháp luật có quy định khác về kiểm soát xung đột lợi ích thì ngoài việc áp dụng các quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng và Nghị định số 59/2019/NĐ-CP thì còn áp dụng quy định của luật đó.

Phạm Thảo