Khai thác tiềm năng, lợi thế Vườn Quốc gia Bạch Mã

(TN&MT) – Vườn quốc gia Bạch Mã (VQGBM) có nhiều tiềm năng, lợi thế đặc biệt là về tài nguyên thiên nhiên. Khai thác bền vững, có hiệu quả để đánh thức tiềm năng du lịch sinh thái của Bạch Mã gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội là “bài toán” đang được cơ quan chức năng thực hiện.

Bảo tồn bền vững

Là một trong 6 vườn quốc gia thuộc Trung ương quản lý với trên 37.423 ha, lâu nay Bạch Mã vẫn được xem là “nàng công chúa ngủ quên”, với nhiều tiềm năng và thế mạnh vẫn chưa được đánh thức.

Khung cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp đứng từ trên đỉnh Bạch Mã

Từ khi thành lập (1991) đến nay, VQGBM đã triển khai nhiều hoạt động bảo vệ, bảo tồn và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên. Ban quản lý VQGBM đã chú trọng thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền bảo vệ rừng cho người dân tại khu vực vùng đệm và khách tham quan; đẩy mạnh ứng dụng công cụ SMART mobile trong tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để bảo vệ tài nguyên và phát triển sinh kế cho người dân sống tại khu vực vùng đệm…

Theo Lãnh đạo VQGBM cho hay hiện lượng khách trung bình của Bạch Mã chỉ khoảng 20.000 khách/năm. Nguyên nhân chủ yếu là khí hậu khắc nghiệt như mưa nhiều, ẩm ướt; giao thông đi lại khó khăn, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, các cơ sở nghỉ dưỡng còn kém chất lượng… Đây cũng là trở ngại chính mà Bạch Mã kém thu hút được các nhà đầu tư, vì chi phí xây dựng và việc kinh doanh dịch vu du lịch sinh thái gặp nhiều rủi ro do mưa nhiều, số ngày nắng có thể đón khách tham quan dã ngoại ít (trung bình dưới 100 ngày/năm).

Nhiều loại động vật quý hiếm đang trú ẩn ở Bạch Mã, trong ảnh là vooc chà vá chân nâu

Ông Nguyễn Vũ Linh, Giám đốc VQGBM cho biết: Để phát triển du lịch Bạch Mã bền vững theo định hướng của Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, cần phải có các giải pháp quy hoạch và quản lý quy hoạch du lịch, dịch vụ phù hợp với các quy định quản lý rừng đặc dụng và đặc biệt là phải phù hợp với các điều kiện đặc thù của Bạch Mã. Hiên nay, VQGBM đã được Bộ NN&PTNT phê duyệt Phương án quản lý, bảo tồn và phát triển bền vững VQGBM, giai đoạn 2021-2030; trong đó đã có quy hoạch phát triển 14 tuyến và 12 khu vực tổ chức du lịch sinh thái với tổng diện tích hơn 1.716 ha.

Dự kiến đầu năm 2022, VQGBM sẽ tổ chức xây dựng và trình Bộ NN&PTNT phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí giai đoạn 2022-2030.

Đề án sẽ là cơ sở để mời gọi các doanh nghiệp tổ chức xây dựng các Dự án đầu tư ở các khu vực mà doanh nghiệp quan tâm. Các Dự án này cần phải phù hợp với Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí được Bộ NN&PTNT phê duyệt; đồng thời phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành về Lâm nghiệp, Xây dựng, Đầu tư, Bảo vệ môi trường…

“Các doanh nghiệp có thể chọn một trong hai hình thức là hợp tác, liên kết với VQGBM hoặc thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái ở trong VQGBM. Việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong xây dựng, phê duyệt và thực hiện các Dự án hợp tác, liên kết hoặc Dự án thuê môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái là cơ sở vững chắc đê đảm bảo cho các nhà đầu tư và VQGBM tổ chức khai thác bền vững, có hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái của Bạch Mã gắn với bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương…”, ông Linh nói.

Đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch sinh thái theo hướng cho thuê môi trường rừng là hướng đi trong thời gian tới tại VQGBM

Du lịch sinh thái theo phương thức thuê môi trường rừng

Năm 2017, dựa trên Đề án phát triển du lịch sinh thái của VQGBM giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030 (được Bộ NN&PTNT phê duyệt vào năm 2016) và Đề án cho thuê môi trường rừng ở khu vực Thác Trượt (99,4 ha), Công ty TNHH Bạch Mã Village đã ký Hợp đồng thuê môi trường rừng ở khu vực Thác Trượt để tổ chức kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái theo đúng các trình tự, thủ tục quy định của pháp luật hiện hành.

Điểm du lịch sinh thái Thác trượt Bạch Mã có quy mô xây dựng khoảng 1 ha (chủ yếu là trên diện tích đất trống, cây bụi, không có cây gỗ) trong tổng diện tích thuê là 99,4 ha rừng của VQGBM. Đây là khu du lịch khai thác dựa vào thiên nhiên, với vị trí nằm giữa thung lũng, bao quanh là dãy núi Bạch Mã hùng vĩ, đêm lại cảnh quan, môi trường trong lành và bảo vệ nguồn nước suối tự nhiên, trong mát để phục vụ cho khu du lịch tắm suối đẳng cấp, cắm trại, nghỉ dưỡng.

Điểm du lịch sinh thái Thác trượt Bạch Mã

Trao đổi với PV, Giám đốc Công ty TNHH Bạch Mã Village Nguyễn Tuấn Khanh cho biết, với sự quan tâm tạo điều kiện từ VQGBM và các ban, ngành địa phương, việc lập thủ tục đầu tư khu du lịch này theo hướng thuê môi trường rừng (thời hạn 30 năm) được tiến hành khá thuận lợi. Nhờ vậy, việc đầu tư dự án sớm hoàn thành; từ năm 2017 đến tháng 5/2019 đã đưa vào hoạt động. Lượng khách trung bình từ 300 đến 500 khách các ngày trong tuần; hơn 1.000 khách vào cuối tuần và các ngày lễ; ngày cao điểm nhất lượng khách đạt đến 3.000 khách.

“Đến đây, ngoài được tắm mát, trải nghiệm trượt thác thú vị, du khách còn được thưởng thức những món ăn ngon và check-in phong cảnh độc đáo tựa như xứ sở thần tiên ở khu làng Hobbit (New Zeland) trong bộ phim Chúa tể của những chiếc nhẫn, với nhà nấm, thác trượt, khu cắm trại, các hồ bơi dành cho người lớn, trẻ em. Thời gian tới, chúng tôi có kế hoạch đầu tư mở rộng lưu trú, bổ sung các loại hình vui chơi giải trí và mở tuyến treking dọc suối dẫn lên thượng nguồn khám phá thiên nhiên Bạch Mã”, ông Khanh thông tin.

Cũng theo lãnh đạo VQGBM, thời gian tới đơn vị sẽ đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch sinh thái theo hướng cho thuê môi trường rừng hoặc hợp tác, liên kết nhằm thu hút đầu tư để từng bước hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, hạ tầng du lịch, đa dạng hóa các sản phẩm, dịch vụ và thiết lập các tuyến du lịch, các điểm đến hấp dẫn ở VQGBM để thu hút khác du lịch trong nước và quốc tế.

Bạch Mã là một phần của dãy Trường Sơn Bắc, có nhiều dãy núi với các đỉnh cao trên 1.000m chạy ngang theo hướng từ Tây sang Đông và thấp dần ra biển. Dưới chân của các dải núi là những thung lũng hẹp, dài với những dòng suối trong xanh, góp phần cải tạo khí hậu vùng.
Các nghiên cứu đã xác định VQGBM là khu vực có tính đa dạng rất cao, với tổng số 2.421 loài nấm và thực vật và 1.728 loài động vật. Trong đó có 266 loài thực vật và 15 loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu. Đặc biệt, ở VQGBM có 10 loài thực vật và 13 loài động vật mới được phát hiện và đặt tên theo địa danh Bạch Mã.