Hội thảo chuyên đề “Hoạt động khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học”
Ngày 16/10/2020, Công đoàn Trường Đại học Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo chuyên đề “Hoạt động khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học”. Đây là một hoạt động chuyên môn nhằm tạo ra cơ hội trao đổi, giao lưu học hỏi cũng như chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn, những khó khăn, thách thức trong hoạt động “khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” giữa các trường, từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, cùng nhau tìm ra giải pháp hữu hiệu để khai thác và thúc đẩy những tiềm năng to lớn của hệ sinh thái khởi nghiệp trong các trường đại học theo tinh thần Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ. Hội thảo này nằm trong kế hoạch “Giao lưu Hội thao và Hội thảo Công đoàn 05 trường đại học liên kết phía Nam, năm 2020 được tổ chức luân phiên hàng năm.
Tham dự Hội thảo có gần 50 đại biểu đại diện Ban Giám hiệu, các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Công đoàn cùng Ban Chấp hành công đoàn và các cán bộ, giảng viên của 05 trường đại học khu vực phía Nam (gồm: Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh – đơn vị đăng cai, Đại học Cần Thơ, Đại học Đồng Tháp, Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, Đại học Sư Phạm Kỹ Thuật TP. Hồ Chí Minh).
Hội thảo chuyên đề “Hoạt động khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học trong trường đại học” được tổ chức tại Trường ĐH Nông Lâm, TP. Hồ Chí Minh
Tại hội thảo, 06 bài báo cáo tham luận được các tác giả trình bày trong tổng số 23 bài viết của các tác giả từ 05 Trường được gởi tới Hội thảo. Những bài viết đều tập trung vào hoạt động khởi nghiệp của các Trường, những khó khăn, thách thức, những kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động khởi nghiệp từ những kết quả nghiên cứu khoa học cũng như vướng mắc mà các trường gặp phải.
PGS.TS. Vũ Thị Trà An, Trưởng Bộ môn Khoa học Sinh học Thú y, Khoa Chăn nuôi Thú y, Trường ĐH. Nông Lâm TP. HCM trình bày báo cáo ” Từ kết quả nghiên cứu khoa học đến sản phẩm thị trường”
Với bài báo cáo súc tích ngắn gọn với cách trình bày thu hút, lôi cuốn cô đã đem lại cho mọi người những kinh nghiệm quý báo trong hoạt động khởi nghiệp gắn liền với thực tiển. Tất cả các thông tin có thể gói gọn 3 vòng tròn để hình thành một thói quen mới bao gồm (1) giác ngộ ra việc cần làm (tri thức), (2) tìm hiểu cách thực hiện (kỹ năng) và (3) trên hết là mong muốn thực hiện (khát vọng). Bạn sẽ đưa được kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường nếu bạn thật sự dấn thân.
ThS. Dương Xuân Huy, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên và Phát triển Khởi nghiệp, Trường Đại học Sư phạm TP.HCM trình bày báo cáo “Giáo dục khởi nghiệp tại Trường Đại học Sư phạm TP. HCM thực tiễn và định hướng phát triển”
Thành công của khởi nghiệp là mang đến một sản phẩm, dịch vụ hoặc mô hình kinh doanh mới, phù hợp với nhu cầu của người dùng. Nghiên cứu khoa học là một quả trình tìm hiểu, đánh giá, phân tích để tạo ra một giá trị mới giải quyết một vấn đề cụ thể. Từ thực tế này, các nhóm sinh viên nghiên cứu khoa học, các giảng viên hướng dẫn khoa học cần tập trung, tăng cường các đề tài nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng, chủ động tìm đến những công ty, doanh nghiệp, thị trường tiềm năng để sản phẩm từ công trình nghiên cứu khoa học có thể ứng dụng và triển khai đại trà.
PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi, Phó trưởng Phòng Quản lý Khoa học, Trường Đại học Cần Thơ trình bày báo cáo “Giải pháp thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp từ kết quả nghiên cứu khoa học của sinh viên – trường hợp Trường Đại học Cần Thơ”
Với phong cách trình bày dí dỏm, cởi mở, PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi đã gây ấn tượng mạnh mẽ tạo không khí vui tươi sôi động tại Hội nghị. Với sự khéo léo chuyển từ câu chuyện ngụ ngôn sang câu chuyện về thời đại 4.0, PGS.TS. Lê Nguyễn Đoan Khôi đã cho mọi người thấy rõ bản chất của Đổi mới sáng tạo (ĐMST) thể hiện rõ qua công thức hết sức ngắn gọn súc tích của ĐH MIT (Mỹ): ĐMST = kết quả nghiên cứu + khả năng thương mại hóa. Do đó, để có thể chuyển từ kết quả nghiên cứu khoa học, đặc biệt của sinh viên sang việc hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST hoặc thương mại hóa sản phẩm cần có sự hợp tác, liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp.
TS. Quách Văn Thiêm, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM trình bày báo cáo “Hoạt động nghiên cứu khoa học gắn với sản phẩm thương mại của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM”
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học theo hướng chế tạo sản phẩm thương mại và chuyển giao công nghệ theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là bài toán khó, cần có sự chung tay giữa nhà trường và doanh nghiệp, cũng như sự thay đôi mạnh mẽ trong cơ chế, chính sách của Nhà nước, thông qua việc điều phối, chỉ đạo mang tính định hướng giữa các Bộ, Ngành. Ngoài ra, các trường đại học phải chủ động thay đổi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, mang lại nguồn thu của trường.
ThS. Nguyễn Văn Nghiêm, Phó trưởng phòng Hành chánh – Tổng hợp, Trường Đại học Đồng Tháp trình bày báo cáo “Giải pháp tăng cường hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp – nhìn từ mô hình câu lạc bộ sinh viên khởi nghiệp Trường Đại học Đồng Tháp”
ThS. Nguyễn Văn Nghiêm đã đúc kết lại và cho thấy cốt lõi của khởi nghiệp là công nghệ và đổi mới sáng tạo. Vì vậy, muốn hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp và xây dựng hệ sinh thái sinh viên khởi nghiệp có hiệu quả cao và bền vững, cần phải gắn kết với nền tảng giáo dục và đào tạo. Sinh viên cần được tiếp cận nhiều hơn với giáo dục STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, Toán học) và được trải nghiệm thực tiễn trong quá trình học tại trường.
PGS.TS. Lê Trung Thiên, Trưởng Bộ môn Kỹ thuật thực phẩm, Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Nông Lâm, TP. HCM trình bày báo cáo “Thương mại hóa két quả nghiên cứu ở đại học: Thực trạng, những khó khăn, yếu tố ảnh hưởng và vai trò tác động”
Với nhiều đề tài khởi nghiệp và thương mại hóa thành công, PGS.TS. Lê Trung Thiên khẳng định thương mại hóa kết quả nghiên cứu đại học là con đường tất yếu cho các trường Đại học và Viện Nghiên cứu ở Việt Nam ngày nay. Công tác này mang lại thay đổi tích cực và có lợi cho cả đôi bên là các trường đại học có kết quả mới và các công ty công nghiệp ứng dụng kết quả vào sản xuất và kinh doanh. Việc hợp tác nghiên cứu và thương mại hóa thành công cũng mang lại sự tiến bộ cho kinh tế xã hội. Hiện nay, lĩnh vực này còn chỉ sơ khởi và rất cần sự nỗ lực của các bên liên quan gồm nhà nghiên cứu, sự hỗ trợ của khoa, bộ môn và trường, cơ chế chính sách của cơ quan chủ quản, cơ chế chính sách hỗ trợ của địa phương cũng như của trung ương.
Đoàn Đại học Cần Thơ tham dự Hội thảo
PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn phát biểu tổng kết Hội thảo
Phát biểu tổng kết Hội thảo, PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn ghi nhận những ý kiến đóng góp, những chia sẻ quý báu của đại biểu tại Hội thảo, đồng thời, gửi lời cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự và có những ý kiến thiết thực, tập trung vào các nội dung chính của chương trình, góp phần làm nên sự thành công của Hội thảo. PGS.TS. Nguyễn Tất Toàn mong muốn những giá trị chia sẻ này tiếp tục phát huy và lan tỏa mạnh mẽ trong tinh thần khởi nghiệp cũng như tạo môi trường thuận lợi để hình thành và hiện thực hóa các ý tưởng, dự án khởi nghiệp trong các trường đại học và mong rằng đây là cơ hội để cán bộ, giảng viên giữa các trường ngày càng gắn bó, bền chặt hơn đi vào thực chất hơn, đóng góp tích cực vào hoạt động khởi nghiệp trong thời gian tới.
Chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
(Tin, ảnh: Công đoàn Trường ĐHCT)