Học sinh học nấu ăn

Khởi động môn nữ công gia chánh trong trường học

Tôi khá bất ngờ khi thầy giáo dạy môn gia chánh ở Trường cao đẳng Du lịch chia sẻ, lo nhất đối với anh khi dạy học sinh nấu ăn không phải các em nấu ngon hay dở,  mà hầu như các em lóng ngóng trong chuyện cầm dao. Học môn tỉa hoa, đương nhiên người làm phải cầm bộ tỉa có thế, mới tỉa những bông hoa bằng củ quả y như thật. Chứng kiến cảnh học trò lớp 10 co rúm khi bị đứt tay, mới thấy việc đưa bộ môn nữ công gia chánh vào trường học là cần thiết trong lúc này.

Có nhiều em học rất giỏi, nhưng lúng túng khi nấu các món ăn đơn giản trong gia đình. Thế nên, tôi đã bắt gặp nhiều phụ huynh thiết tha muốn con học nữ công gia chánh. Không ít phụ huynh trải lòng, nét tinh túy của Huế là bữa ăn ngon, đoàn tụ các thành viên trong gia đình mỗi ngày. Nhưng, họ mải mê với công việc, suốt ngày chỉ ăn cơm hộp, nhà hàng thì làm sao dạy con cái nấu ăn?

Sau gần hai năm lỡ hẹn, môn học này mới được đưa vào Trường THPT Hai Bà Trưng và đã có hơn 100 em ở trường này đăng ký. Số học sinh ở các trường khác cũng mong muốn học môn này ngày càng nhiều.

Chưa kể, nữ công gia chánh chỉ là một thuật ngữ để bao quát các kỹ năng sống. Bởi, ngoài việc tập trung dạy nấu ăn cho học sinh, giáo viên cũng sẽ dạy văn hóa ứng xử, tác phong của con người Huế từ tiếng dạ, tiếng thưa đến cách ăn mặc, đi đứng, giao tiếp với bạn bè, thầy cô, gia đình và cộng đồng. Thông qua các món ăn được dạy, các em sẽ hiểu hơn về văn hóa ẩm thực Huế, con người Huế. Phụ huynh thích con mình tham gia khóa học này vì lẽ đó.

Trước đó không lâu, trên một trang mạng xã hội, có người lập riêng một nhóm với tựa đề “Người Huế học nấu ăn”. Tôi trở thành thành viên thứ 3 ngàn không trăm lẻ mấy sau cú nhấp chuột. Rất nhiều phụ huynh đăng ký cho con, trai có, gái có, chiếm đa số ở bậc trung học phổ thông và sinh viên. Chủ tóp là một phụ nữ Huế tên Hồng Nhung, chị đúc kết khá hay về câu chuyện bếp núc. “Người Huế quan niệm nấu ăn cũng là nếp nhà. Món ăn Huế vì thế mà truyền từ đời này sang đời khác, theo một phong cách rất riêng, “nghèo mà sang”. Phụ nữ có biết nấu mới biết đi chợ; mà có biết đi chợ mới biết nấu ăn. Thịt theo chợ, cá theo mùa. Tính đã rồi mua. Mua vừa kho nấu. Hay, đồ ăn không phải hễ có thịt cá là ngon, hay rau dưa thì dở. Ngon dở nơi tay mình, chớ có tại gì rau thịt”. Nhiều người vào thả tim rần rần, tôi nhận ra, không hẳn giới trẻ lơ là chuyện bếp núc.

Quay trở lại việc đưa môn nữ công gia chánh vào trường học. Điều thú vị hơn cả, là môn học này sẽ được truyền thụ cho tất cả học sinh. Tuy nhiên, vẫn có ý kiến, nếu đề tên môn học là nữ công gia chánh sẽ có không ít người hiểu nhầm, chỉ là môn học dành cho nữ sinh. Mà đã là đào tạo nghề thì không kể nam nữ. Và bất kể là nam hay nữ, những kiến thức văn hóa và kỹ năng sống vẫn luôn luôn cần thiết trong cuộc sống.

Thông tin từ Trường cao đẳng Du lịch, sắp đến trường sẽ phối hợp với Sở GD&ĐT tổ chức hội thi “Đầu bếp trẻ” với hơn 300 học sinh ở các trường đăng ký tham gia. Tôi nghĩ, đây là một hoạt động thiết thực và bổ ích khi bắt đầu gieo vào hơi thở của giới trẻ những mảnh ghép đầu tiên như thế. Có thể sẽ tạo nên nền tảng góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống lâu dài.

Bài, ảnh: AN NHIÊN