Giải đáp chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất

Giải đáp chính sách thuế đối với doanh nghiệp chế xuất Hoạt động nghiệp vụ tại Chi cục Hải quan Khu chế xuất và Khu công nghiệp (Cục Hải quan Hải Phòng). Ảnh: Quang Hùng

Thời hạn áp dụng chính sách DNCX

Về thời hạn áp dụng chính sách DNCX khi chuyển đổi từ DN thường sang DNCX, VBF cho rằng, theo quy định tại khoản 2b, Điều 78, Thông tư 39/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 38/2015/TT-BTC quy định về thủ tục hải quan; Kiểm tra, giám sát hải quan; Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu: “2. Trường hợp chuyển đổi loại hình từ DN không hưởng chính sách DNCX sang DNCX: b) Trước khi chuyển đổi, DN có trách nhiệm nộp đầy đủ các khoản nợ thuế, nợ phạt còn tồn đọng cho cơ quan Hải quan. Cơ quan Hải quan chỉ áp dụng chính sách thuế, hải quan đối với loại hình DNCX sau khi DN đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế, hải quan với cơ quan Hải quan và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là DNCX…”. Tuy nhiên Thông tư 39 chưa quy định thời hạn cụ thể phải hoàn thành việc chốt tồn, xác nhận hoàn thành các nghĩa vụ thuế tồn đọng để được áp dụng chính sách DNCX.

Do vậy, trong thực tế DN có thể gặp vướng mắc khi đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư thay đổi công nhận là DNCX nhưng chưa thể áp dụng chính sách thuế, hải quan theo cơ chế DNCX.

Về vấn đề này, VBF đề nghị Tổng cục Hải quan có hướng dẫn cụ thể cho DN trong việc chuyển đổi từ DN thường sang DNCX thời điểm áp dụng chính sách DNCX. Đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan Hải quan hoàn thành việc chốt tồn, xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế tồn đọng cho DN chuyển đổi.

Giải đáp vấn đề trên, theo đại diện đơn vị nghiệp vụ thuộc Tổng cục Hải quan, căn cứ Điều 28a Nghị định 18/2021/NĐ-CP quy định về điều kiện kiểm tra, giám sát hải quan, áp dụng chính sách thuế đối với DNCX là khu phi thuế quan thì DNCX được áp dụng chính sách thuế đối với khu phi thuế quan theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu kể từ thời điểm là DNCX nêu tại Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Theo quy định tại khoản 2b, Điều 78, Thông tư 39, cơ quan Hải quan chỉ áp dụng chính sách thuế, hải quan đối với loại hình DNCX sau khi DN đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về thuế với cơ quan Hải quan và được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là DNCX. Các quy định này là thống nhất với nhau về việc hoàn thành nghĩa vụ thuế phải được thực hiện xong trước khi cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận là DNCX.

Chuyển đổi mục đích sử dụng với hàng hóa của DNCX

Theo Điều 21, Thông tư 38/2015/TT-BTC (sửa đổi bổ sung tại Khoản 10 Điều 1 Thông tư số 39/2018/ TT-BTC) thì hàng hóa nhập khẩu cho mục đích sản xuất hàng xuất khẩu khi chuyển tiêu thụ nội địa phải thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng, nộp bổ sung thuế nhập khẩu và thuế GTGT.

Theo VBF, khi DNCX có hoạt động sản xuất và hoạt động kinh doanh theo quyền xuất nhập khẩu mua từ DN nội địa để phục vụ sản xuất thì DNCX không phải nộp thuế. Tuy nhiên, khi DNCX muốn chuyển hàng hóa này sang tiêu thụ nội địa phải khai tờ khai chuyển mục đích sử dụng, nộp thuế GTGT liên quan đến hàng hóa đó cho cơ quan Hải quan vì nghĩa vụ thuế nhập khẩu đã được DN nội địa hoàn thành trước khi bán hàng hóa cho DNCX (DN nội địa chưa được cơ quan Hải quan hoàn lại tiền thuế nhập khẩu đã nộp). Mặt khác, hàng hóa DNCX mua từ DNCX khác, muốn chuyển hàng hóa này sang tiêu thụ nội địa thì không thể thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng do không có tờ khai nhập khẩu ban đầu.

Về vấn đề này, theo Tổng cục Hải quan, đối với trường hợp mua bán hàng hóa giữa DNCX và DN nội địa, căn cứ khoản 1 Điều 4 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 quy định: Quan hệ mua bán, trao đổi hàng hóa giữa khu phi thuế quan với bên ngoài là quan hệ xuất khẩu, nhập khẩu.

Căn cứ khoản 2 Điều 2 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13 thì hàng hóa xuất khẩu từ thị trường trong nước vào khu phi thuế quan, hàng hóa nhập khẩu từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế.

Căn cứ quy định nêu trên, khi DNCX mua hàng hóa từ nội địa thông qua hình thức nhập khẩu tại chỗ thì DNCX không phát sinh nghĩa vụ về thuế. Trường hợp DNCX không sử dụng hàng hóa này trong DNCX mà bán trở lại nội địa thì phải kê khai nộp thuế (theo quy định tại Điều 25 Nghị định 08/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung tại Khoản 12 Điều 1 Nghị định 59/2018/NĐ-CP).

Còn đối với hàng hóa DNCX mua từ DNCX khác không thực hiện thủ tục hải quan, sau đó DN muốn chuyển tiêu thụ nội địa nhưng không thể thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng, căn cứ điểm i khoản 4 Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định cơ quan Hải quan thực hiện ấn định thuế đối với hàng hóa người khai thuế không tự tính được số tiền thuế phải nộp.

Căn cứ quy định nêu trên, trường hợp DNCX mua hàng từ DNCX khác không thực hiện thủ tục hải quan, do đó không khai được tờ khai thay đổi mục đích sử dụng. Đối với trường hợp hàng hóa này được phép bán vào nội địa, DNCX cung cấp thông tin về tên hàng, số lượng, trị giá, mã số hàng hóa để cơ quan Hải quan thực hiện ấn định số tiền thuế phải nộp. DNCX có trách nhiệm nộp đủ số tiền thuế theo quyết định ấn định thuế của cơ quan Hải quan trước khi bán hàng hóa vào nội địa.