Dự án siêu thị Co.opmart Kon Tum có nhiều sai phạm trong quá trình triển khai dự án
Theo Thanh tra Chính phủ, dự án siêu thị Co.opmart được cấp quyết định chủ trương đầu tư vào tháng 9-2016 của UBND tỉnh Kon Tum.
Đây là dự án đầu tư sử dụng khu đất, quỹ đất có giá trị thương mại cao, do đó cần lựa chọn nhà đầu tư thuộc danh mục dự án được phê duyệt của tỉnh, nhưng UBND tỉnh Kon Tum không thực hiện là vi phạm nghị định 30/2015 của Chính phủ.
Năm 2016, UBND tỉnh Kon Tum giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tổ chức xác định giá trị tài sản còn lại trên diện tích đất nhằm tạo mặt bằng sạch phục vụ đấu giá đất và giao tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất.
Tháng 7-2016, Sở Tài nguyên – môi trường có văn bản gửi và được Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên – môi trường) có văn bản với nội dung: dự án siêu thị Co.opmart thuộc danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư, nên được miễn tiền thuê đất và không phải đấu giá đất.
Tuy nhiên, diện tích trên 8.704m2 đất thực hiện dự án có nguồn gốc là nhà đất công, do Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Kon Tum (thuộc Sở Văn hóa – thể thao và du lịch) quản lý, sử dụng.
Việc UBND tỉnh giao Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tham mưu phương án đấu giá quyền thuê đất mà không sắp xếp, xử lý tài sản công là không đúng quy định của Thủ tướng.
Kết luận thanh tra chỉ rõ khu đất liền thửa đã được Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh Kon Tum bàn giao cho chủ đầu tư quản lý từ tháng 1-2017 nhưng được tách làm 2 phần cho thuê làm 2 lần.
Trong khi UBND tỉnh Kon Tum chưa có quyết định đơn giá đất cụ thể cho phần diện tích lần đầu (5.425,9m2), thì tỉnh này tiếp tục có văn bản thống nhất cho thuê thêm phần còn lại với diện tích 3.227,3m2 nhưng không chỉ đạo xác định giá đất cụ thể cho toàn bộ thửa đất.
Dự án chậm tiến độ, hết thời hạn đầu tư, chưa nộp tiền thuê đất nhưng Sở Kế hoạch và đầu tư Kon Tum không đề xuất UBND tỉnh chấm dứt hoạt động, mà có văn bản “đề xuất triển khai hoạt động kinh doanh trên phần diện tích đất khu vui chơi trẻ em, công viên cây xanh” là sai mục đích, vi phạm Luật đất đai, không hoàn thành chức năng nhiệm vụ được giao.
Hiện nay chủ đầu tư đã lát nền bê tông toàn bộ, làm bãi để ô tô không có mái che, xây dựng nhà để xe có mái che, dựng dãy ki ốt cho thuê mặt góc đường Lê Hồng Phong – Bà Triệu nhưng cơ quan chức năng không có biện pháp xử lý là buông lỏng quản lý sử dụng đất và hoạt động xây dựng.
Ngoài ra, việc cơ quan chức năng chậm ban hành văn bản liên quan đến xác định nghĩa vụ tài chính của dự án là thiếu trách nhiệm, có nguy cơ làm thất thu ngân sách nhà nước; để doanh nghiệp chiếm dụng tiền thu đất phải nộp trong khoảng 15 tháng với số tiền 68.326,321 triệu đồng từ 1/7/2019 đến thời điểm thanh tra, cần phải được xử lý, kiểm điểm, kỷ luật nghiêm túc.
Theo giải trình của UBND tỉnh Kon Tum, năm 2015, UBND Thành phố Hồ Chí Minh và UBND tỉnh Kon Tum ký biên bản thoả thuận hợp tác phát triển kinh tế – xã hội.
Theo đó, UBND tỉnh Kon Tum Hỗ trợ các thủ tục pháp lý để Thành phố Hồ Chí Minh giới thiệu các doanh nghiệp đầu tư và các dự án trên địa bàn tỉnh. Trong đó, lĩnh vực siêu thị thuộc ngành nghề ưu đãi đầu tư và người dân có nhu cầu nên khi Liên hiệp Hợp tác xã thương mại Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất đầu tư, Thường trực tỉnh uỷ, UBND tỉnh đã tạo mọi điều kiện để chủ đầu tư thực hiện dự án với lĩnh vực mà địa phương đang cần.
Tỉnh không sắp xếp, xử lý tài sản công nhưng đã tổ chức xác định giá trị còn lại đảm bảo theo quy định, nhà đầu tư đã bồi thường tài sản trên đất trước khi đầu tư xây dựng.