Đi tìm nguồn gốc và ý nghĩa của mâm ngũ quả ngày Tết

(TN&MT) – Mặc dù có nguồn gốc từ Phật giáo, sau đó du nhập và lan tỏa vào Việt Nam nhưng hiện nay, ở mỗi vùng miền khác nhau, tùy điều kiện tự nhiên và văn hóa mà mâm ngũ quả có sự thay đổi cho phù hợp, kèm theo đó là cách giải nghĩa dần dần khác đi.

Mâm ngũ quả là một phần không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của người Việt Nam mà người dân dùng để dâng cúng thần phật, tổ tiên, thể hiện lòng hiếu thảo và ước mong những điều tốt lành. Nhiều người tin rằng, mâm ngũ quả tượng trưng cho âm dương – ngũ hành, cầu tài cầu phúc nên bỏ ra rất nhiều tiền để có được mâm ngũ quả độc, lạ, không đụng hàng, hợp phong thủy với hi vọng năm mới sẽ làm ăn phát đạt.

Nắm bắt được tâm lý như vậy, trên thị trường hoa quả ngày Tết, những loại trái cây tạo hình độc đáo, mang ý nghĩa may mắn được nhiều người ưu tiên lựa chọn như: Dưa hấu khắc chữ, bưởi vuông khắc chữ, dừa thư pháp, xoài in chữ … Giá mỗi loại quả trên dao động từ vài trăm đến cả triệu đồng. Ngoài ra, dịch vụ tư vấn chọn và bày biện mâm ngũ quả hợp với mệnh gia chủ cũng khá thịnh hành. Một số diễn đàn, trang web cũng thường xuyên đăng tải các bài viết giải thích ý nghĩa của từng loại quả, đồng thời hướng dẫn, tư vấn bạn đọc bày biện mâm ngũ quả ngày Tết hợp hướng, hợp phong thủy.

Mâm ngũ quả ngày Tết có nguồn gốc từ Phật giáo

Tuy nhiên mâm ngũ quả ngày Tết có tượng trưng cho âm dương – ngũ hành hay không? Và ý nghĩa thực sự của nó là gì? Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ (Đại học quốc gia Hà Nội) cho biết: “Ngũ quả không tượng trưng cho âm dương – ngũ hành. Trong các từ thư phương đông cổ đại, chỉ có kinh sách Phật giáo là giải thích về ngũ quả mà thôi. Đó là 5 loại trái cây mà các tì khưu phải nấu chín hoặc gọt vỏ mới được ăn. Thứ nhất là loại quả có hạt như táo, hạnh, đào, mận .. Thứ hai là loại quả có da như dưa, lê, dâu …Thứ ba là loại quả có vỏ như dừa, hồ đào, thạch lựu … Thứ tư là loại quả có vỏ sần sùi như tùng, bách … Thứ năm là loại quả có góc cạnh như ấu, các loại đậu lớn nhỏ … Năm loại trái cây trên đây vốn được dùng để cúng dâng trong pháp hội Vu lan bồn, sau dùng để cúng trong nghi lễ thờ Phật, rộng ra, trong lễ tiết cúng tế nói chung”.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cũng cho biết, ý nghĩa của mâm ngũ quả đã thay đổi theo dòng chảy thời gian và biến thiên lịch sử. Kinh Vu lan giải thích rằng, khi Phật còn tại thế, Mục Kiền Liên vì muốn cứu khổ cứu nạn cho vong hồn mẹ bị treo ngược chốn âm ti, ông cầu cứu đức Phật thì Phật dạy rằng, rằm tháng 7 là ngày chư tăng tự tứ (hết mùa đi Hạ), hãy đem thức ăn, hoa quả cúng dường (chính là đem ngũ quả này dâng lên cho Phật tăng 10 phương) thì sẽ được vô lượng công đức và cứu khổ được cho mẹ.

Như vậy khi Đức Phật tại thế (thế kỉ V trước công nguyên), ở Ấn Độ đã có tục cúng dường ngũ quả. Ở Trung Quốc, truyền thuyết cho rằng, thế kỉ VI sau công nguyên, vua Vũ Đế nhà Lương là người đầu tiên mở lễ Vu Lan, sau đó thời Đường, thời Tống thịnh hành rồi lan tỏa ra dân chúng và dùng trong nghi lễ cúng dường nói chung, trong đó tập trung vào Tết. Các nước có Phật giáo thịnh hành thường bày mâm ngũ quả dâng tiến Phật tăng và tiên tổ.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ

Tuy nhiên hiện nay, cách hiểu về ý nghĩa mâm ngũ quả mỗi nơi một khác dẫn đến quan niệm bày mâm ngũ quả cũng không giống nhau. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu này thì: “Mọi điển lệ, qui pháp tôn giáo khi đi vào thực tế đều vận động và biến đổi cho phù hợp với cuộc sống rất đa dạng. Tục lệ mâm ngũ quả cũng vậy. Trong các tết lễ khác nhau, ở mỗi vùng miền khác nhau, tùy điều kiện tự nhiên và văn hóa mà có sự thay đổi cho phù hợp. Chính điều này làm nên cái văn hóa mâm ngũ quả đa dạng và kèm theo đó là cách giải nghĩa dần dần khác đi. Thấy ngũ là năm nên người ta liên hệ với ngũ hành biểu kiến 5 màu dù không đâu đưa quả màu đen vào thờ cả”.

Như vậy mâm ngũ quả ngày Tết chủ yếu mang tính tôn giáo, tín ngưỡng. Thế nhưng trong thời hiện đại, mâm ngũ quả lại nặng về tính trang trí và khoe của (nhiều người sẵn sàng bỏ hàng chục triệu đồng để có được mâm ngũ quả không đụng hàng với ai). Việc này có thể trở thành một ghánh nặng cả về tâm lý và vật chất khiến cho mâm ngũ quả ngày Tết mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu.

Trao đổi về vấn đề này, nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ chia sẻ thêm: “Sông có khúc, người có lúc, nghèo thì lễ bạc lòng thành, giàu thì trưởng giả làm sang. Làm sang cũng là một tâm lí thỏa mãn hạnh phúc của con người. Xây chùa chiền cho sang trọng đã từng làm cho nhiều quốc gia lụn bại đến yếu hèn và dẫn đến mất nước. Cái gì cũng có mặt lợi mặt hại của nó. Tuy nhiên, về lí lẽ, tất cả các tôn giáo đều hướng tới việc kiệm ước và từ thiện. Thái quá thì bất cập. Hàng chục triệu một mâm ngũ quả cũng được nhưng đồng tiền đó có xuất phát từ tâm và lương thiện hay không? Theo tôi, một chế độ tốt đẹp là chế độ dạy cho dân biết kiệm ước và từ thiện. Nếu không hiểu điều đó mà hành động như kiểu “trưởng giả học làm sang” thì rất dễ biến những tục lệ thiêng liêng thành những trò lố về mặt văn hóa”.