Dạy bé 2 tuổi đi siêu thị, chương trình Nhật Bản gây tranh cãi
Một đứa trẻ hai tuổi rưỡi một mình đi bộ hàng km đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ cho gia đình. Hai em bé mới biết đi leo hàng trăm bậc thang để hoàn thành một công việc vặt cho mẹ. Một đứa trẻ khác cố gắng làm nước trái cây cho người thân.
Đây thực sự là những gì đã xảy ra trên Old Enough, chương trình truyền hình thực tế do Nippon TV tạo ra vào năm 1991 và hiện được Netflix phát sóng trên toàn cầu.
Theo Salon, việc đặt ra các thử thách để xây dựng sự tự túc, tự lập cho những đứa trẻ mới chập chững biết đi đang tạo ra nhiều cuộc tranh luận trực tuyến, đặc biệt với những “helicopter parents” (tạm dịch: cha mẹ “trực thăng”) ở Mỹ – khái niệm dùng để chỉ phụ huynh kiểm soát và chăm sóc con cái một cách thái quá.
Old Enough gây tranh cãi khi để trẻ 2 tuổi đi bộ, sử dụng phương tiện giao thông công cộng một mình.
Khó tin
Trong tập đầu tiên, Hiroki (2 tuổi rưỡi) một mình đến cửa hàng tạp hóa gần nhà ở tỉnh Kagoshima để mua đồ cho bố mẹ. Cậu bé đi bộ 2 km, tự trả tiền và sau đó an toàn trở về nhà.
Cảnh hậu trường cho thấy Hiroki được nhóm quay phim theo sát và nhiều người đi đường đã giúp đỡ cậu bé. Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh vẫn cảm thấy câu chuyện này thật khó tin.
Perry Valentine, phụ huynh người Mỹ, cho biết anh và vợ rất thích Old Enough. “Nhưng là một người bố, tôi không hiểu tại sao các bậc cha mẹ Nhật Bản lại có thể đặt niềm tin vào cộng đồng để con cái của họ có thể học cách tự làm những công việc đơn giản như vậy”, Valentine nói.
Valentine cho rằng chương trình này chắc chắn không thể quay ở Mỹ vì phần lớn cơ sở hạ tầng của quốc gia này chỉ tập trung vào ôtô và không thân thiện với người đi bộ.
Trẻ mới biết đi đến siêu thị, cửa hàng tạp hóa để thực hiện thử thách tự lập trong Old Enough.
“Sau khi xem chương trình, tôi đồng ý rằng để bọn trẻ làm những công việc vặt là một cách tuyệt vời giúp chúng xây dựng sự tự tin, trách nhiệm, trưởng thành. Nhưng tôi không nghĩ rằng kiểu nuôi dạy con cái này có thể dễ dàng nhân rộng ở Mỹ do khu vực lân cận thiếu an toàn”.
Tại Mỹ, chỉ khoảng 10% trẻ em đi bộ đến trường. Học viện Nhi khoa Mỹ (AAP) cảnh báo trẻ dưới 10 tuổi không nên đi bộ mà không có người giám sát. Một số nơi như Maryland và Kansas thậm chí có luật quy định thời gian trẻ em có thể được đi bộ mà không có sự giám sát của người lớn để hạn chế tai nạn giao thông.
Trong khi đó, Nhật Bản được xếp hạng là một trong 10 quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Từ năm 2000 đến 2019, số ca tử vong trên đường hàng năm đã giảm 62%.
Đối lập
Devon Kuntzman, huấn luyện viên nuôi dạy con cái và là người sáng lập của Transforming Toddlerhood, tin rằng các bậc cha mẹ Mỹ bị cuốn hút bởi Old Enough vì chương trình cho họ thấy “cách nuôi dạy con đối lập với những gì chúng ta đã quen thuộc ở Mỹ”.
“Những đứa trẻ mới biết đi này được trao cho một mức độ độc lập và trách nhiệm cao, trông rất khác so với điều xảy ra trong gia đình Mỹ bình thường. Trẻ mới biết đi phát triển nhu cầu được độc lập, cảm giác kiểm soát, cảm thấy có khả năng và vai trò trong gia đình. Old Enough tập trung vào việc đáp ứng những nhu cầu đó”.
Tiến sĩ Harvey Karp, bác sĩ nhi khoa, cho rằng chương trình cho thấy phương pháp dạy con hoàn toàn trái ngược với cái gọi là “cha mẹ trực thăng”, thuật ngữ vốn bị chê bai nhưng lại rất phổ biến ở Mỹ.
Old Enough khiến cha mẹ Mỹ ngạc nhiên vì cách nuôi dạy con khác biệt của người Nhật.
“Nếu chúng ta có nhà trẻ, khu dân cư an toàn và chúng ta biết những người hàng xóm của mình, thì điều đó sẽ khiến cha mẹ tin tưởng để trẻ em được tự do học hỏi, trưởng thành.
Nhưng trong những thập kỷ qua, gia đình đã nhỏ lại và khu dân cư nguy hiểm hơn. Và kết quả là các bậc cha mẹ ít có kinh nghiệm trong việc chăm sóc trẻ nhỏ”.
Mặc dù chương trình gần như chắc chắn không thể có phiên bản riêng ở Mỹ, các chuyên gia tin rằng vẫn có rất nhiều cách an toàn để cha mẹ xứ cờ hoa có thể dạy con cái tự lập.
Kuntzman đề xuất cho phép một đứa trẻ mới biết đi tưới cây, cho thú cưng ăn, giúp đỡ một cách an toàn trong nhà bếp hoặc giặt giũ.
“Trẻ ở độ tuổi này thích phụ giúp việc nhà vì cảm thấy vui vẻ mà không đòi hỏi bất kỳ điều gì. Tập cho trẻ tham gia vào các công việc lặt vặt như vậy cũng góp phần hình thành thói quen tốt, tính trách nhiệm trong tương lai”.
Theo Zing