Công ty luật là gì ? Phân biệt công ty luật và văn phòng luật sư
Nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của các tổ chức, cá nhân hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến hơn. Tuy nhiên việc lựa chọn Văn phòng luật sư hay Công ty luật để thực hiện các dịch vụ pháp lý cho mình cũng đang khiến cho nhiều tổ chức, cá nhân phân vân. Vậy như thế nào là công ty luật và sự giống, khác nhau giữa công ty luật và văn phòng luật sư như thế nào?
Nội Dung Chính
1. Khái niệm về Công ty luật?
Công ty luật được thành lập và hoạt động trong lĩnh vực pháp lý với các hoạt động chủ yếu gồm: tư vấn pháp luật; tham gia các hoạt động tố tụng tại Tòa án; là đại diện ngoài tố tụng để giúp khách hàng thực hiện các công việc liên quan đến pháp luật và thực hiện một số các dịch vụ pháp lý khác theo quy định của pháp luật nói chung và Luật luật sư năm 2006 nói riêng.
Khoản 1 Điều 34 Luật luật sư năm 2006 công ty luật được thành lập dưới hai loại hình: Công ty hợp danh và công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên và công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).
– Công ty luật được thành lập dưới loại hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì phải có ít nhất một Luật sư là chủ sở hữu của công ty;
– Đối với loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì phải có ít nhất hai thành viên tham gia góp vốn thành lập công ty là Luật sư;
– Đối với trường hợp công ty luật được thành lập dưới loại hình công ty luật hợp danh thì trong công ty phải có ít nhất hai Luật sư là thành viên hợp danh và trong công ty không được có thành viên góp vốn.
Theo Luật luật sư năm 2006 và Luật đầu tư năm 2020 thì lĩnh vực hoạt động kinh doanh của Công ty luật được xác định là một trong những ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và khác so với các công ty thông thường khác, việc đăng ký thành lập công ty luật không thực hiện tại Sở kế hoạch và Đầu tư mà được thực hiện tại Sở tư pháp.
2. Phân biệt giữa công ty luật và văn phòng luật sư
2.1 Điểm giống nhau giữa công ty luật và văn phòng luật sư
Thứ nhất: Theo quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật luật sư năm 2006 thì cả công ty luật và văn phòng luật sư đều là tổ chức hành nghề luật sư, được thành lập và có đầy đủ các quyền của một tổ chức hành nghề luật sư theo quy định tại Điều 39 Luật luật sư năm 2006, cụ thể bao gồm các quyền như sau:
– Thực hiện các dịch vụ pháp lý theo yêu cầu của khách hàng và nhận thù lao từ khách hàng;
– Các tổ chức hành nghề luật sư được quyền thuê các Luật sư ở Việt Nam, Luật sư nước ngoài và các nhân viên khác làm việc trong công ty;
– Được quyền hợp tác với các tổ chức hành nghề luật sư ở nước ngoài; thành lập các chi nhánh, văn phòng giao dịch trong nước; cũng như đăth cơ sở hành nghề luật sư của mình ở nước ngoài;
– Được quyền tham gia xây dựng các chính sách, pháp luật của Nhà nước; tham gia tư vấn, trực tiếp tham gia giải quyết các vụ việc của cá nhân, cơ quan hay tổ chức khi được yêu cầu;
– Ngoài ra công ty luật và văn phòng luật sư còn có một số các quyền khác được quy định cụ thể trong Luật luật sư năm 2006 và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Thứ hai: Để thành lập công ty luật và văn phòng luật thì đều phải đáp ứng những điều kiện như sau:
– Một Luật sư chỉ được thành lập một công ty luật hoặc một văn phòng luật. Các Luật sư tham gia thành lập công ty luật hoặc văn phòng luật sư đều phải có ít nhất hai năm hành nghề luật sư liên tục trong các tổ chức hành nghề Luật sư theo hình thức hợp đồng lao động hoặc là Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân trong các cơ quan tổ chức khác theo hình thức hợp đồng lao động.
– Công ty luật và văn phòng luật sư đều phải có trụ sở làm việc. Trong trường hợp tổ chức hành nghề luật sư được thành lập bởi các Luật sư ở các Đoàn luật sư khác nhau thì nơi đăng ký hoạt động có thể được đăng ký tại địa phương nơi có Đoàn luật sư mà một trong các Luật sư thành lập là thành viên.
2.2 Điểm khác nhau giữa công ty luật và văn phòng luật sư
Có thể dựa vào các tiêu chí sau đây để phân biệt giữa công ty luật và văn phòng luật sư, cụ thể như sau:
– Thứ nhất: Loại hình doanh nghiệp khi thành lập
+ Tại khoản 1 Điều 34 Luật luật sư năm 2006 công ty luật được thành lập dưới 2 loại hình doanh nghiệp là: Công ty luật hợp danh; Công ty luật trách nhiệm hữu hạn.
+ Tại khoản 1 Điều 33 Luật luật sư năm 2006 văn phòng luật sư được tổ chức và thành lập theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
– Thứ hai: Người đại diện theo pháp luật
+ Đối với công ty luật được thành lập theo loại hình công ty luật trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì người đại diện theo pháp luật là Giám đốc công ty. Còn đối với công ty luật được thành lập dưới loại hình công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên thì do thành viên của công ty thỏa thuận;
+ Văn phòng luật sư thì sẽ do Trưởng văn phòng là người đại diện theo pháp luật.
– Thứ ba: Cách đặt tên công ty luật, văn phòng luật sư
Cũng giống như các doanh nghiệp bình thường khác được thành lập theo quy định của Luật doang nghiệp năm 2020 thì tên của công ty luật, văn phòng luật sư cũng không được trùng hoặc gây nhầm lần với các công ty luật và văn phòng luật đã được đăng ký hoạt động. Trong tên thì sẽ không được phép sử dụng những từ ngữ hoặc ký hiệu có vi phạm đến đạo đức, thuần phong, mỹ tục và các truyền thống lịch sử văn hóa của dân tộc.
+ Đối với văn phòng luật sư thì bắt buộc trong tên phải có cụm từ “Văn phòng luật sư”, còn phần tên riêng sẽ do Luật sư thành lập lựa chọn và phải đáp ứng tiêu chí đã được nêu ở trên;
+ Đối với công ty luật thì trong tên bắt buộc phải có cụm từ: “công ty luật hợp danh” hoặc “công ty luật trách nhiệm hữu hạn”. Còn đối với tên riêng thì sẽ do các thành viên thỏa thuận với nhau để đặt tên (công ty luật hợp danh, công ty luật trách nhiệm hữu hạn hai thành viên); với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên thì chủ sở hữu của công ty sẽ lựa chọn. Tên riêng phải đáp ứng các tiêu chí đã được nêu ở trên.
– Thứ tư: Về trách nhiệm và nghĩa vụ của các thành viên trong công ty hoặc văn phòng luật
+ Thành viên đứng ra thành lập văn phòng luật sư sẽ phải chịu trách nhiệm vô hạn đối với văn phòng luật sư mà mình thành lập;
+ Đối với công ty luật được thành lập dưới loại hình công ty luật hợp danh thì thành viên hợp danh phải có trách nhiệm đối với các nghĩa vụ của công ty bằng các tài sản của công ty. Trong trường hợp khi công ty có các khoản nghĩa vụ phải thanh toán mà số tài sản của công ty không đủ để có thể thanh toán hết các khoản nghĩa vụ thì các thành viên hợp danh của công ty phải sử dụng cả tài sản cá nhân của mình để có thể thanh toán hết các khoản nghĩa vụ của công ty.
+ Đối với trường hợp công ty luật được thành lập dưới loại hình là công ty trách nhiệm hữu hạn (công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên; công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên) thì cũng giống như trong quy định của Luật doanh nghiệp năm 2020, các thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn đối với phần vốn góp của mình.
Trên đây là nội dung Luật Minh Khuê đã sưu tầm và biên soạn. Trường hợp trong nội dung tư vấn có điều gì gây nhầm lẫn, chưa rõ ràng hoặc thông tin nêu trong nội dung tư vấn khiến quý khách chưa hiểu hết vấn đề hoặc/ và có sự vướng ngại, thắc mắc, chúng tôi rất mong nhận được ý kiến phản hồi của quý khách hàng.
Mọi vướng mắc quý khách hàng vui lòng trao đổi trực tiếp với bộ phận luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài gọi ngay số: 19006162 hoặc liên hệ văn phòng để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Minh Khuê. Rất mong nhận được sự hợp tác của quý khách hàng!