Chính trị và Phát triển
Nghiên cứu xây dựng mô hình homestay mang tính đặc thù trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Đăng lúc: 08:00 09-05-2022 |
Lượt xem: 77
CT&PT – Du lịch là ngành công nghiệp “không khói” của các quốc gia, vùng, lãnh thổ trên thế giới. Với những đặc điểm như đảm bảo hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội bền vững, lưu giữ được dấu ấn về văn hóa, ngành nghề của các dân tộc… du lịch đã và đang nhận được sự quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ phát triển của Đảng, Nhà nước ta. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn quán triệt mục tiêu: “Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn là định hướng chiến lược quan trọng để phát triển đất nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác”. Phát triển du lịch thường đi đôi với việc đa dạng hóa các loại hình du lịch và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, hiện nay đặt ra các yêu cầu nghiên cứu về phát triển loại hình du lịch mới, du lịch bền vững và sản phẩm là các loại hình du lịch mới ra đời nhằm bảo vệ môi trường tự nhiên, văn hóa của người dân bản địa cũng như góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, điển hình như: du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm, du lịch homestay, du lịch mạo hiểm, du lịch khám phá… Trong đó du lịch homestay góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả của mô hình du lịch có trách nhiệm, đa dạng hóa loại hình sản phẩm, đảm bảo cho sự phát triển bền vững.
1. Khái quát chung về Du lịch cộng đồng homestay ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Du lịch cộng đồng homestay là một loại hình “du lịch xanh” phù hợp với các du khách yêu thích khám phá văn hóa bản địa. Khi đi du lịch homestay, thay vì ở khách sạn hoặc các nhà nghỉ, du khách sẽ ở ngay tại nhà của dân địa phương để có thể có một góc nhìn gần gũi và thực tế hơn với cách sống và nền văn hóa của nước chủ nhà. Du khách được xem như một thành viên của gia đình và tham gia vào các sinh hoạt đời thường như ăn cơm chung mâm và trò chuyện trao đổi với các thành viên; được yêu cầu phải “nhập gia tùy tục” và phải tôn trọng các quy tắc và sự riêng tư nhất định của gia chủ.
Trào lưu du lịch kết hợp với homestay đang càng ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới và được các cộng đồng và chính phủ ủng hộ.
Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, thuộc vùng tam giác kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây là khu vực phát triển mạnh mẽ, năng động nhất trong cả nước. Do đó, du lịch của của Tỉnh có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển. Từ lâu, Bà Rịa – Vũng Tàu được biết đến là một trong những điểm đến du lịch hấp dẫn của cả nước với nhiều tiềm năng phát triển và đa dạng các loại hình du lịch: văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển, thăm quan thắng cảnh biển – đảo và các di tích lịch sử văn hóa. Xác định tầm quan trọng của du lịch trong cơ cấu kinh tế của Bà Rịa – Vũng Tàu, ngày 27/12/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017 – 2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch là định hướng chiến lược quan trọng và là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp du lịch và tầng lớp nhân dân…. Thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh uỷ, ngày 11/9/2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã ban hành Quyết định số 2538/QĐ-UBND về việc quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó đề cập đến phát triển loại hình du lịch homestay ở huyện Châu Đức.
Thời gian vừa qua, loại hình du lịch Homestay ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung và huyện Châu Đức nói riêng với phương châm 3 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” bước đầu xuất hiện và trở thành sự lựa chọn mới của nhiều du khách.
Loại hình du lịch homestay mang lại cho du khách những trải nghiệm nhiều hơn về cuộc sống của người dân tộc bản địa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ngoài ra, với loại hình du lịch này, chính người dân bản địa tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu được tham gia trực tiếp vào các hoạt động du lịch, quảng bá phong tục tập quán, văn hóa của người dân ở đảo và thu được các lợi ích kinh tế – xã hội từ các hoạt động du lịch, đồng thời chịu trách nhiệm bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và văn hóa địa phương.
Để có thể khai thác được hết lợi thế tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung, đồng thời tận dụng được các cơ hội, vượt qua thách thức trong phát triển du lịch thì việc phát triển mô hình homestay mang đặc thù của địa phương đóng vai trò quan trọng.
Chính vì vậy, xây dựng mô hình homestay trên thực tiễn với hiệu quả kinh tế cao, nâng cao thu nhập của người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và đề xuất các giải pháp phát triển dịch vụ homestay phục vụ du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bền vững là một nhiệm vụ hết sức cấp bách. Tuy nhiên, trên cơ sở đánh giá khái quát về tình hình nghiên cứu các vấn đề liên quan, có thể khẳng định: còn nhiều khoảng trống về mặt lý luận cần tiếp tục làm rõ; còn nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra cần được giải thích, đánh giá, xác định nguyên nhân, luận chứng giải pháp. Do đó, việc nghiên cứu đề tài này là có tính cấp thiết cả về phương diện lý luận và thực tiễn.
2. Sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa về lý luận
Thứ nhất, hệ thống hóa và phát triển một bước các vấn đề lý luận về xây dựng mô hình homestay nói chung và homestay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng
Nghiên cứu phát triển loại hình du lịch homestay tại Bà Rịa – Vũng Tàu là một nghiên cứu mới. Đa số các nghiên cứu đều theo hướng tiếp cận 1) Cơ sở lý luận liên quan và một số kinh nghiệm; 2) Thực trạng và tiềm năng phát triển; 3) Đề xuất giải pháp. Tuy nhiên, hướng tiếp cận này bỏ qua đóng góp quan trọng của các tiêu chuẩn liên quan hiện có trên Thế giới cũng như tại Việt Nam. Đặc biệt, với hướng tiếp cận trên, các giải pháp đề xuất mang tính chủ quan cao mà không được kiểm nghiệm qua thực tế và mang tính hàn lâm hơn là hướng đến thị trường.
Nghiên cứu này xây dựng hướng tiếp cận mới khắc phục các nhược điểm của các nghiên cứu trước qua việc bổ sung nghiên cứu các tiêu chuẩn liên quan, nghiên cứu các quy hoạch, nghiên cứu động cơ, nhu cầu của du khách cũng như của người dân, tổ chức thực nghiệm phát triển homestay tại một số điểm. Với các bổ sung này, kết quả của nghiên cứu sẽ có tính thực tiễn cao hơn.
Thứ hai, nghiên cứu, tập hợp và cung cấp các thông tin về mô hình xây dựng homestay ở một số địa phương trong nước, cũng như mô hình phát triển homestay tại một số nước trên thế giớiđể đánh giá về khả năng học tập, tham khảo kinh nghiệm xây dựng mô hình Homestay phù hợp trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Những mô hình homestay trên thế giới và ở một số địa phương đối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là dễ dàng tiếp cận và cũng không có quá nhiều trở ngại khi tham khảo. Thậm chí trong trường hợp có vướng mắc về thể chế hiện hành, tỉnh có thể đề xuất những chủ trương thí điểm. Do vậy, việc nghiên cứu vấn đề lý luận nói trên là rất cần thiết cho xây dựng mô hình homestay mang đặc thù của tỉnh.
Thứ ba, nghiên cứu làm rõ sự tương đồng và đặc thù của Homestay trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; làm rõ mối quan hệ giữa các khâu trong quá trình xây dựng mô hình homestay của tỉnh. Đây là những vấn đề hiện chưa có những công trình nghiên cứu đề cập một cách tương xứng.
Thứ tư, góp phần hệ thống hóa và hoàn thiện lý luận về các điều kiện, yếu tố ảnh hưởng đến xây dựng và phát triển mô hình homestay nói riêng trong quá trình phát triển của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Homestay là loại hình thu hút một lượng lớn du khách. Tuy nhiên, homestay ở mỗi địa phương đều có nét đặc thù riêng. Điều kiện homestay ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có nét đặc thù gì so với homestay ở các địa phương khác? Với những đặc điểm riêng về điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, với quan điểm, mục tiêu phát triển thể hiện trọng trách lớn, nhiều thách thức của tỉnh thì mô hình homestay ở đây có gì khác biệt so với các vùng khác trong cả nước?…
Thứ năm, nghiên cứu cung cấp các cơ sở lý luận và gợi ý hoàn thiện chính sách, hoàn thiện thể chế
Hiện nay, trên phương diện quy định, hướng dẫn của Đảng và Nhà nước, có nhiều vấn đề đã được định hình và ngày càng hoàn thiện về loại hình homestay. Song, khi áp dụng cho những địa bàn có nhiều đặc thù, tính xa rời thực tiễn vẫn còn. Nhiều lúc, thể chế kìm hãm sự phát triển. Việc nghiên cứu nhằm tìm ra những bất cập của các quy định về điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí, khung năng lực đối với việc xây dựng mô hình homestay là hết sức cần thiết.
3. Sự cần thiết, tính cấp bách, ý nghĩa về thực tiễn
Việc phát triển homestay sẽ đáp ứng được nhu cầu khám phá của đông đảo du khách muốn tìm hiểu văn hóa bản địa đặc sắc tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều đó đặt ra nhiệm vụ nghiên cứu xây dựng mô hình homestay về thực tiễn như sau:
Một là, xuất phát từ những hạn chế, vướng mắc nhất định trong việc phát triển homestay trên địa bàn tỉnh trong thời gian vừa qua
Thực tế hiện nay, loại hình du lịch homestay tại Bà Rịa – Vũng Tàu hiện có đều phát triển theo hướng tự phát của chủ hộ, kinh doanh du lịch. Một số homestay vì chạy theo xu hướng, phát triển được xây dựng phục vụ du khách tức thời như quán trọ bình dân, dẫn đến phát triển không bền vững.
Vốn đầu tư ban đầu lớn và hoàn toàn do người dân địa phương bỏ ra, không có sự tư vấn từ phía chuyên môn, nên hiện tại chưa có homestay đạt chuẩn phục vụ khách du lịch đúng nghĩa của nó để phù hợp cho du khách các nước. Chưa sử dụng sản vật của địa phương để tạo nét đặc trưng của quê hương.
Loại hình du lịch homestay nghĩa là mục đích chính trong chuyến đi của khách du lịch là được ở nhà dân bản địa để thông qua đó tìm hiểu, khám phá những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của địa phương. Nhà dân không chỉ là cơ sở lưu trú mà trở thành một tài nguyên du lịch nhân văn hấp dẫn và độc đáo. Tuy nhiên, các homestay ở tỉnh đơn thuần chỉ “cung cấp” chỗ lưu trú cho khách, chưa thực sự trở thành một loại hình du lịch.
Mặt khác, công tác marketing chưa được triển khai toàn diện, hoạt động quảng bá không nhiều nên các nhà đầu tư không thấy được những lợi thế sẵn có của Tỉnh. Họ dường như rất mơ hồ đối với dịch vụ homestay vì không có chiến lược phát triển. Vì vậy, quảng bá marketing đối với du lịch homestay hiện nay là rất cần thiết.
Hai là, xây dựng và phát triển mô hình homestay nhằm khai thác các giá trị văn hóa ẩm thực, văn hóa tâm linh, văn hóa làng nghề… mang tính đặc thù của tỉnh
Hiện nay, so với các địa phương khác phát triển du lịch như: Khánh Hoà, Bình Thuận, Kiên Giang thì Bà Rịa – Vũng Tàu với khí hậu trong lành, nhiều bãi biển đẹp; nhiều danh lam thắng cảnh và các ngôi chùa, cùng với các ẩm thực, đặc sản để phát triển du lịch. Nhưng thực tế du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn chưa phát triển được một cách bài bản , tiềm năng du lịch chưa được khai thác hiệu quả.
Trên địa bàn tỉnh hiện nay có 48 di tích được xếp hạng. Trong đó, Di tích cấp quốc gia là 28 di tích, Di tích cấp quốc gia đặc biệt là 01 di tích, Di tích cấp tỉnh là 19 di tích. Điều này đã góp phần tạo nên cốt cách văn hóa đặc sắc, là điều kiện thuận lợi để phát triển đa dạng các loại hình du lịch, như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa gắn với các lễ hội.
Nhóm di tích lịch sử, kiến trúc tôn giáo, bao gồm các kiến trúc đình, miếu, chùa, nhà thờ đều gắn với những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú và hấp dẫn, như: 10 đền thờ cá voi, là địa danh có đền thờ cá voi nhiều nhất ở miền Nam; khu Đình Thắng Tam, Thích Ca Phật Đài, Niết Bàn Tịnh Xá, Tượng Chúa Kytô, Bạch Dinh, Trận địa pháo cổ… là các địa danh phát triển thành các điểm du lịch lễ hội, tâm linh rất có giá trị. Lễ hội cũng phong phú và sinh động. Mỗi năm có hơn 30 lễ hội thu hút lượng khách du lịch tham gia ngày càng đông, thuận lợi cho việc phát triển sản phẩm du lịch của tỉnh.
Nhóm di tích lịch sử, cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, như: Địa đạo Long Phước, Căn cứ Minh Đạm, Khu căn cứ kháng chiến Bàu Sen, Bến Lộc An với đường Hồ Chí Minh trên biển, địa đạo Kim Long, nghĩa trang Hàng Dương, nhà tù Côn Đảo… là những địa danh nổi tiếng phục vụ cho loại hình du lịch tham quan, về nguồn.
Các di tích lịch sử gắn với hoạt động lễ hội được bảo tồn, phát huy và phát triển, phản ánh đúng đắn và hiệu quả các chủ trương của Đảng bộ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nhất là công tác xã hội hoá các hoạt động văn hoá, lễ hội, bảo tồn các di tích lịch sử. Một số di tích trọng điểm, các lễ hội, văn hoá dân gian, làng nghề được khôi phục, góp phần quan trọng vào sự thành công của ngành du lịch.
Như vậy, với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên ưu đãi, nguồn tài nguyên nhân văn phong phú, những yếu tố về văn hóa và truyền thống lịch sử, Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương rất phong phú tiềm năng và điều kiện để phát triển du lịch homestay một cách toàn diện, bền vững.
Ba là, xuất phát từ định hướng phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu trong thời gian tới
Ngày 27/12/2017, Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, về phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu giai đoạn 2017-2020, định hướng đến năm 2030, xác định: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, ưu tiên phát triển du lịch chất lượng cao, phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch là định hướng chiến lược quan trọng và là nhiệm vụ, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp du lịch và các tầng lớp nhân dân…. Ngày 11/9/2018, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu ban hành Quyết định số 2538/QĐ-UBND về việc quy hoạch tổng thể phát triển Du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030. Với mục tiêu: Phát triển triển du lịch “Xanh” du lịch cộng đồng, du lịch có trách nhiệm, gắn hoạt động du lịch với mục tiêu gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, bảo vệ môi trường.
Như vậy, hướng phát triển du lịch của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là kết hợp hài hòa giữa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp du lịch và người dân, nhất là quan tâm đến lợi ích của người dân tại các vùng dự án phát triển du lịch. Đặc biệt, trong Quy hoạch tổng thể nêu rõ hướng sản phẩm du lịch homestay và du lịch sinh thái nông nghiệp gắn với công nghệ cao.
Bốn là, xuất phát từ yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với phát triển du lịch bền vững
Hiện nay, theo định hướng phát triển du lịch, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển đa dạng các loại hình du lịch như du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, du lịch trải nghiệm, du lịch chất lượng cao. Du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng hiện đại, bền vững.
Về phát triển du lịch, thời gian qua tỉnh rất quan tâm về quốc phòng, an ninh, việc quản lý để phát triển kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng luôn đặt trong mối quan hệ hài hòa giữa phát triển kinh tế biển với quốc phòng, an ninh, tuyệt đối không được xem nhẹ mặt nào.
Năm là, xuất phát từ sự sẵn sàng tham gia của người dân khi xây dựng mô hình homestay mang tính đặc thù trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Homestay là loại hình du lịch mà sự phát triển của nó gắn liền với lợi ích của người dân bản địa. Thực tế chứng minh rằng, mặc dù có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển, song bên cạnh đó, Tỉnh vẫn đang vướng mắc nhiều vấn đề để triển khai loại hình du lịch này. Một mặt, cùng với định hướng phát triển du lịch, người dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã bắt đầu làm quen với loại hình dịch vụ homestay.
Bên cạnh sự hợp tác của người dân chưa thực sự nhiệt tình thì việc chưa có chính sách phù hợp cũng là một khó khăn cần được giải quyết. Như vậy, tiên quyết trong thời gian tới cần phải có những nghiên cứu thực tế sau đó đưa ra những giải pháp, chính sách phù hợp nhằm đảm bảo thu hút được sự tham gia của người dân vào vận hành loại hình du lịch này.
Tóm lại, vấn đề đặt ra là làm thế nào để xây dựng và phát triển mô hình homestay phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bền vững mang đặc thù của văn hóa truyền thống, tạo nên sắc thái riêng thu hút khách du lịch đồng thời nâng cao thu nhập cho người dân tại địa phương gắn liền với quá trình bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
VÕ THỊ THU HIỀN
Trường Chính trị tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
Chia sẻ: