Cần quan tâm tới đội ngũ nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non
Cần quan tâm tới đội ngũ nhân viên nấu ăn trong các trường mầm non
Hiện nay, 100% các trường mầm non (gồm 116 trường mầm non công lập và 4 trường mầm non tư thục) trên địa bàn tỉnh tổ chức nuôi ăn bán trú. Qua công tác kiểm tra, đánh giá của cơ quan chức năng, công tác tổ chức bữa ăn bán trú ở các trường mầm non đã đi vào nền nếp. Do làm tốt công tác kiểm soát chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm, trên địa bàn tỉnh không để xảy ra các vụ việc liên quan tới ngộ độc thực phẩm cho trẻ mầm non. Điều này, có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ nhân viên nấu ăn tại các trường mầm non.
Trên thực tế, tùy theo quy mô trường học, số lượng trẻ được huy động ra lớp và ăn bán trú tại trường, số lượng nhân viên nấu ăn của các trường mầm non không cố định, thường có từ 4-6 người/bếp ăn. Hằng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo thường xuyên phối hợp với Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh tổ chức tuyên truyền, tập huấn công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, cách lựa chọn, chế biến, bảo quản thực phẩm đúng cách, việc lưu trữ mẫu thức ăn theo đúng quy định; được giới thiệu, hướng dẫn việc sử dụng, vận hành hệ thống truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Đội ngũ nhân viên bếp ăn trong các trường mầm non có chuyên môn nấu ăn, được kiểm tra sức khỏe định kỳ, tham gia các lớp tập huấn để được cấp giấy chứng nhận nấu ăn trong bếp ăn tập thể và có ý thức chấp hành tốt các quy định về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong quá trình nấu ăn.
Dù được làm việc trong điều kiện tốt hơn nhưng đội ngũ nhân viên nấu ăn trường mầm non khá áp lực vì yêu cầu công việc và còn thiếu nhân lực.
Để tăng cường bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở giáo dục mầm non, theo từng năm học, trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của cấp trên về vấn đề này, ngành giáo dục đã chủ động xây dựng các kế hoạch triển khai thực hiện quản lý chặt chẽ an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học. Theo đó, toàn ngành phấn đấu không để xảy ra các trường hợp ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua quá trình ăn uống tại trường trong học sinh; nâng cao nhận thức và kỹ năng thực hành ATVSTP của người tham gia các hoạt động tổ chức ăn uống tại trường, giáo dục cho trẻ những thói quen cần thiết về vệ sinh ăn uống thông qua các hoạt động giáo dục hằng ngày tại nhà trường; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế thường xuyên thực hiện phòng, chống dịch bệnh trong trường học và thực hiện kiểm tra công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.
Tuy nhiên, theo quy định của Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, ngày 16/3/2015 giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non công lập, với số lượng tối đa 35 trẻ nhà trẻ hoặc 50 trẻ mẫu giáo thì các nhà trường sẽ được ký 1 lao động hợp đồng để bố trí vào vị trí nấu ăn. Nhưng đây mới chỉ là quy định, còn trên thực tế, không có cơ sở giáo dục công lập nào có đủ số lượng nhân viên nấu ăn bảo đảm tương ứng với số trẻ các nhóm, lớp. Hầu hết các nhà trường đều thiếu cô nuôi.
Để khắc phục tình trạng này, theo chia sẻ của một cán bộ quản lý trường mầm non, không còn cách nào khác, nhà trường phải phân công cả giáo viên đứng lớp xuống hỗ trợ nấu ăn và thuê thêm nhân viên nấu ăn thời vụ. Tiền lương trả cho nhân viên nấu ăn được tính theo sự thỏa thuận giữa phụ huynh với nhà trường và số tiền thỏa thuận đó cũng không đủ để thuê đủ số nhân viên nấu ăn còn đang thiếu.
Nếu tính từ lúc bắt đầu làm việc cho tới khi kết thúc bữa xế của trẻ vào buổi chiều, mỗi ngày, các nhân viên nấu ăn sẽ phải làm việc đến cả chục giờ đồng hồ.
Vấn đề đặt ra cho việc hợp đồng nhân viên nấu ăn đối với các nhà trường không chỉ dừng lại ở việc làm thế nào để bảo đảm mức thu nhập cho họ, mà quan trọng hơn là nguồn hợp đồng rất khó khăn do không phải ai cũng đủ điều kiện khi phải đáp ứng các yêu cầu về bằng cấp, chứng chỉ nấu ăn… Thậm chí, có thời điểm, do khó khăn về nguồn tuyển nhân viên nấu ăn, không ít nhà trường phải thực hiện giải pháp tình thế là thuê người dân nấu ăn thời vụ và nơm nớp nỗi lo về bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Vì thế, việc phân công giáo viên các nhóm, lớp luân phiên xuống hỗ trợ cho nấu ăn bán trú là câu chuyện thường ngày của các nhà trường.
Cũng do thu nhập không cao, công việc nhiều và khá áp lực bởi những quy định cùng sự giám sát khắt khe về chất lượng các bữa ăn cho trẻ nên ít người gắn bó lâu dài với công việc nấu ăn ở các trường mầm non. Trong câu chuyện với một nhân viên nấu ăn có thâm niên hơn 10 năm tại một trường mầm non trên địa bàn huyện Lý Nhân, chúng tôi được biết, công việc của “người nhà bếp” rất vất vả và bận rộn với hàng trăm thứ việc không tên. Hằng ngày, từ sáng sớm, các nhân viên nhà bếp đã phải có mặt ở trường để giao nhận thực phẩm và bắt đầu công việc chuẩn bị cho các bữa ăn cho trẻ. Nếu tính từ lúc bắt đầu làm việc cho tới khi kết thúc bữa xế của trẻ vào buổi chiều, mỗi ngày, các nhân viên nấu ăn sẽ phải làm việc đến cả chục giờ đồng hồ. Ngoài việc phải tính toán bảo đảm cân đối dinh dưỡng theo khẩu phần ăn của bữa chính với đủ món canh, món mặn, món xào, thức ăn tráng miệng và 3 loại cơm nát, vừa, khô, có thêm cháo đặc, cháo loãng phù hợp với nhu cầu ăn uống của trẻ ở từng độ tuổi, còn phải dọn dẹp và rửa, sấy bát, thìa, xoong, chảo. Xong xuôi, họ lại quay ra chuẩn bị bữa ăn xế cho trẻ, bảo đảm sự đa dạng, phong phú về món ăn…
Nhân viên nấu ăn này tâm sự: Với chị, làm lâu thành quen nên dù còn thiếu người nhưng việc vẫn đâu vào đấy. Chị bảo, như ở trường của chị chỉ có một điểm trường nên việc nấu ăn cho trẻ tuy vất vả nhưng còn đỡ khổ hơn những đồng nghiệp ở những trường có nhiều điểm lẻ. Tại đây, có khi nhân viên nấu ăn ở những điểm lẻ phải đến điểm trường chính nhận thực phẩm về điểm lẻ chế biến; có khi nhân viên nấu ăn ở điểm trường chính hoặc giáo viên điểm trường lẻ phải làm thêm công việc chở thức ăn đến các điểm lẻ vì ở đó không có điều kiện tổ chức bếp ăn. Ngày nắng ráo còn đỡ chứ những ngày mưa gió sự vất vả còn nhiều hơn.
Với những giáo viên được phân công luân phiên hỗ trợ nấu ăn bán trú đều được đào tạo chương trình dinh dưỡng cho trẻ nên đã hỗ trợ rất tích cực cho việc nấu ăn. Họ sẵn sàng chia sẻ điều kiện thiếu nhân viên nấu ăn của các nhà trường, họ không ngại khó, ngại khổ, nỗ lực thực hiện tốt nhiệm vụ được giao và mong muốn có thêm cơ chế để nâng cao hơn thu nhập, giúp họ yên tâm công tác. Về vấn đề này, các nhà trường cũng linh hoạt vận dụng bằng nhiều phương thức, nhưng chưa có giải pháp tối ưu, nhất là trong điều kiện việc xã hội hóa từ phụ huynh không dễ như hiện nay.
Thanh Hà