Các Loại Rượu Trái Cây Mùa Tết Bổ Dưỡng Nhà Làm
Tự làm các loại rượu trái cây mùa Tết đang là trào lưu của nhiều bà nội trợ Việt trong những năm gần đây. Được làm từ những loại trái cây quen thuộc như nho, táo, chuối, ổi, cam… nên loại rượu này có nồng độ cồn nhẹ, mùi thơm nồng, ngọt thanh, dễ uống, phù hợp với mọi thành viên trong gia đình. Không chỉ được cánh mày râu săn đón, rượu trái cây còn được coi là “thần dược” với nhiều chị em khi mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe và làm đẹp.
Bữa cơm ngày Tết gia đình đoàn viên sẽ rộn ràng hơn khi cùng nhau nhấm nháp ly rượu trái cây tự làm. Ảnh: Internet
Bánh mứt, bia rượu là một phần góp vui trong mâm cỗ ngày Tết. Các nghiên cứu khoa học đã chứng minh, uống rượu bia ở mức độ chừng mực sẽ giúp cơ thể tránh được nhiều bệnh nguy hiểm, tinh thần vui vẻ. Đặc biệt, các loại rượu tự làm từ trái cây, ngũ cốc không chỉ thơm ngon, an toàn mà còn tốt cho tiêu hóa, có tác dụng an thần, dễ ngủ.
Nội Dung Chính
Lý do rượu hoa quả ngày Tết luôn là “hot trend”
Mỗi dịp Tết đến Xuân về, chị em lại tự tay làm các bình rượu hoa quả trái cây bắt mắt và “khoe” thành quả lên các hội nhóm trên mạng xã hội, khiến cư dân mạng mê mẩn, đua nhau lưu lại công thức. Theo chia sẻ của nhiều chị em, trước những thông tin trên báo chí về tình trạng rượu pha cồn công nghiệp, nhiều người quyết định tự học hỏi cách thức làm các loại rượu trái cây để an tâm đón Tết.
Bên cạnh đó, việc tự tay ngâm rượu cũng là cách để chị em thỏa đam mê bếp núc, vừa để chăm sóc sức khỏe gia đình tốt hơn trong thời buổi thật giả lẫn lộn.
Tự làm rượu trái cây tại nhà còn giúp bạn có thể kiểm soát được các thành phần trong thực phẩm, tự lựa chọn và kết hợp các loại trái cây theo ý thích. Đặc biệt là tiết kiệm chi phí hơn so với việc đặt mua trên thị trường.
Loại rượu này có nồng độ cồn nhẹ, dễ uống, an toàn với mọi thành viên trong gia đình cũng như thích hợp để đãi khách.
Công dụng điển hình của trái cây ngâm rượu là tốt cho hệ tiêu hóa, kích thích vị giác, giúp ăn ngon miệng hơn. Phụ nữ nhâm nhi một chút rượu trái cây mỗi ngày sẽ thấy da dẻ hồng hào, xương cốt khỏe mạnh, trí nhớ minh mẫn hơn.
Những bình rượu với màu sắc sặc sỡ của hoa quả trái cây không chỉ để thưởng thức mà còn có thể trưng bày, trang trí cho không gian thêm phần sang trọng.
Những bình rượu ngâm trái cây trông rất bắt mắt. Ảnh: Internet
Top rượu ngâm uống Tết ngon, dễ làm, thanh nhiệt cơ thể
Xu hướng chế biến rượu từ các loại trái cây đặc sản như táo mèo, dâu tằm, mơ, mận, sim… ở Việt Nam đang phát triển mạnh, được ưa chuộng không thua kém gì rượu ngoại. Rượu trái cây còn có công dụng chữa bệnh tùy thuộc vào loại trái cây sử dụng. Rượu mít có tính giải rượu, uống lâu say. Rượu dâu tằm bổ thận, có tính an thần, dễ ngủ. Rượu táo mèo tốt cho tiêu hóa, giúp ăn ngon miệng…
Bài viết dưới đây xin chia sẻ một số loại rượu trái cây được nhiều người yêu thích, bạn có thể tham khảo và áp dụng để ngày Tết thêm rộn ràng.
Rượu hoa quả
Nguyên liệu
- 400g chanh tươi
- 3 quả cam
- 2 quả quýt
- 3 quả táo
- 10 quả dâu tây
- 8 quả chuối sứ chín
- 1/2 quả thơm (dứa)
- 1kg nho đen
- 100g việt quất
- 500g kiwi
- 1,5kg đường phèn
- 1 – 1,5 lít rượu nếp
- 300ml rượu Rum (Bacardi gold)
Cách làm
Các loại trái cây ngâm nước muối loãng, rửa sạch và để thật ráo nước.
Cam, chanh, quýt cắt khoanh dày 5 – 7mm, bỏ hạt hoặc để nguyên tùy thích. Dâu tây, chuối cắt đôi theo chiều dọc. Nho, việt quất bỏ cuống, để nguyên quả. Kiwi gọt vỏ, cắt khoanh dày 5 – 7mm.
Bình thủy tinh rửa sạch, tiệt trùng và để thật khô ráo. Xếp trái cây lần lượt, cứ một lớp trái cây là một lớp đường phèn, lớp trên cùng phủ kín đường phèn. Không nên xếp đầy bình vì hoa quả lên men sẽ làm tràn rượu.
Sau đó rót rượu nếp và rượu Rum vào, đóng kín nắp bình, để nơi thoáng mát, thỉnh thoảng lắc bình để trái cây lên men đều. Rượu sau khi ngâm 1 tháng sẽ có vị chua ngọt nhẹ dịu, thơm cay nồng nàn.
Rượu hoa quả sau quá trình lên men sẽ tạo ra những loại vi sinh tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Rượu mít ngâm
Nguyên liệu
- 1kg mít chín (mít mật, mít Thái…)
- 1,5 lít rượu nếp 45 – 55 độ
Cách làm
Mít chín bổ đôi, tách bỏ lõi và xơ, cắt múi và bỏ hạt.
Cho mít vào bình thủy tinh sạch, rót rượu nếp vào sao cho ngập mít nhưng không đổ đầy bình.
Dùng túi nilon phủ lên miệng bình rồi đậy kín nắp lại. Ngâm rượu khoảng 1 tháng là có thể sử dụng được. Sau khoảng 5 – 8 tháng, bạn nên vớt mít ra để rượu không bị đục.
Rượu sơ ri
Nguyên liệu
- 2kg sơ ri
- 800g đường phèn
- 2 lít rượu nếp 40 độ
Cách làm
Chọn sơ ri vừa chín tới, nếu còn xanh sẽ có nhiều vị chua, còn chín quá thường bị mềm, dập. Sơ ri mua về nhặt bỏ những quả sâu hỏng rồi đem ngâm với nước muối loãng khoảng 15 phút, sau đó rửa lại 2 – 3 lần cho thật sạch, để ráo nước.
Cho sơ ri vào bình rồi rắc thêm một lớp đường phèn, làm lần lượt cho đến khi hết nguyên liệu. Đậy kín nắp bình và ủ khoảng 1 tuần cho sơ ri lên men và đường tan hết. Trong thời gian ủ, thỉnh thoảng lắc đều bình để sơ ri lên men đều.
Sau khi ủ 1 tuần, mở nắp bình và cho 2 lít rượu nếp vào. Đậy nắp bình và tiếp tục ủ từ 3 – 4 tuần đến khi sơ ri ra hết chất ngọt là có thể lấy rượu ra thưởng thức.
Quả sơ ri ăn sống chấm muối ớt hay ngâm rượu đều rất ngon và tốt cho sức khỏe. Ảnh: Internet
Rượu chôm chôm
Nguyên liệu
- 3kg chôm chôm tươi
- 1,5 lít rượu trắng 37 – 45 độ
Cách làm
Chọn những quả chôm chôm vừa chín tới, cuống còn tươi thì khi ngâm rượu sẽ có mùi thơm đặc trưng. Chôm chôm rửa sạch bụi bẩn bên ngoài rồi để ráo nước. Sau đó bóc bỏ vỏ và tách lấy phần cùi trắng, loại bỏ hạt.
Lấy một ít rượu trắng tráng sơ qua chôm chôm để đảm bảo rượu không bị nổi váng.
Cho chôm chôm vào bình thủy tinh sạch, đổ rượu vào, đậy kín nắp bình và ngâm khoảng 3 tháng là có thể uống được.
Rượu ngâm táo mèo
Nguyên liệu
- 1kg táo mèo
- 200g đường phèn
- 2 lít rượu nếp 38 độ
- 2g muối
Cách làm
Táo mèo ngon thường được trồng ở các tỉnh vùng Tây Bắc như Sơn La, Lào Cai, Yên Bái. Chọn những quả táo già, chín vàng, ngửi có mùi thơm sẽ có vị ngọt nhẹ, thích hợp để ngâm rượu.
Táo mèo khi mua về loại bỏ những quả sâu hỏng, dập úng, sau đó rửa sạch. Dùng dao cắt bỏ phần đầu và đuôi rồi bổ đôi quả, cho ngay vào thau nước muối loãng để táo không bị thâm. Ngâm táo khoảng 15 phút rồi vớt ra, để thật ráo nước.
Rải đều táo dưới đáy bình sau đó phủ một lớp đường phèn lên trên. Tiếp tục cho táo và đường xen kẽ vào bình tới khi hết. Đậy kín nắp bình và ủ từ 1 – 2 tuần. Cứ cách 2 – 3 ngày nên mở bình ra kiểm tra, nếu thấy táo nổi lên trên thì dùng đĩa hoặc vỉ sạch chèn xuống.
Sau 2 tuần, táo đã lên men và đường tan hết, chắt hết nước trong bình ra rồi cho một ít rượu trắng vào, tráng sơ rồi đổ bỏ phần rượu này.
Cuối cùng, cho 2 lít rượu nếp vào bình táo, dùng túi nilon phủ lên miệng bình rồi đậy thật kín. Nếu thích rượu có màu vàng cánh gián, bạn có thể cho thêm một ít mật mía hoặc mật ong. Đặt bình rượu nơi thoáng mát, sau khoảng 3 – 6 tháng là dùng được.
Rượu táo mèo có màu sắc trong, sáng, vị ngọt thơm mà không chát. Ảnh: Internet
Rượu nho
Nguyên liệu
- 3kg nho chín (nho Ninh Thuận)
- 1kg đường cát vàng
- 500ml rượu Vodka 29,5 độ
Cách làm
Chọn những quả nho chín đỏ sẽ có độ đường cao và thành phẩm sẽ có màu đỏ đẹp.
Nho rửa cho sạch bụi bẩn, bỏ cuống, để ráo, có thể phơi nắng để nho khô ráo hoàn toàn. Dằm nhẹ cho nho hơi mềm ra.
Chuẩn bị một bình thuỷ tinh, rải đều một lớp nho và một lớp đường cát cho đến khi đầy bình. Sau đó rót rượu vào, đậy nắp, để ở nơi khô ráo và thoáng mát, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp.
Cứ cách 2 tuần, dùng đũa trộn đều hỗn hợp trong bình để tạo điều kiện lên men nhanh và đều hơn, giúp khí sản sinh trong quá trình lên men thoát ra ngoài.
Ủ từ 1 – 3 tháng là bắt đầu dùng được. Thời gian ủ càng lâu rượu sẽ càng ngon.
Ly rượu nho đỏ trong, thơm ngon hoà quyện giữa vị ngọt, chua và chút đắng chát. Ảnh: Internet
Rượu dâu tằm
Nguyên liệu
- 2kg dâu tằm
- 1kg đường cát
- 6 lít rượu trắng (tùy thích)
Cách làm
Dâu tằm chọn những quả to, chín đều, không bị dập nát, cuống hơi ngả vàng là dâu vừa chín tới. Rửa dâu nhẹ nhàng với nước cho sạch bụi bẩn, sau đó ngâm vào nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra, để khô ráo. Khéo léo cắt bỏ phần cuống quả để rượu không bị chát.
Lần lượt cho dâu vào bình xen kẽ với đường, cứ một lớp dâu là một lớp đường. Lớp dâu trên cùng phải được phủ kín bởi đường để tránh tạo bọt và nổi váng trong quá trình lên men.
Đậy nắp bình nhưng không quá kín để không khí lưu thông, giúp quá trình lên men diễn ra thuận lợi hơn. Đặt bình rượu ở nơi có nắng nhẹ trong 3 – 4 ngày đầu.
Sau 2 – 3 tuần ủ sẽ thu được bình rượu dâu tằm với màu sắc đẹp mắt, vị chua ngọt nhẹ. Lúc này, bạn đã có thể lấy rượu ra thưởng thức.
Nếu không thích vị ngọt đậm, bạn hãy cho thêm rượu trắng có nồng độ cồn là 35 độ vào bình theo tỷ lệ 1 dâu : 3 rượu. Sau 1 tháng, rượu và dâu hòa lẫn vào nhau thì có thể dùng được, sau 6 tháng rượu đạt hương vị ngon nhất.
Nhâm nhi một chút rượu dâu tằm giúp chị em cải thiện nhan sắc, da dẻ hồng hào. Ảnh: Internet
Rượu anh đào (cherry)
Nguyên liệu
- 2kg quả anh đào (cherry)
- 1kg đường vàng
Cách làm
Chọn những quả cherry chín đỏ đều, còn cứng, không bị mềm dập. Rửa sạch cherry rồi để khô ráo, sau đó loại bỏ phần cuống lá.
Vệ sinh bình đựng thủy tinh cho sạch sẽ và khô ráo, cho một lớp đường mỏng vào bình rồi xếp cherry vào, tiếp tục phủ một lớp đường và cherry cho đến khi hết nguyên liệu.
Đậy nắp bình và ủ trong vòng 3 tháng. Sau thời gian ủ là có thể lấy rượu ra thưởng thức.
Rượu vải
Nguyên liệu
- 2kg vải thiều tươi
- 4 lít rượu trắng
Cách làm
Vải để ngâm rượu nên chọn những quả vừa chín tới, da căng mọng, cuống còn tươi và có độ dẻo thì thành phẩm sẽ có mùi thơm nhẹ, không bị chua.
Rửa quả vải với nước cho sạch rồi để ráo, sau đó bóc vỏ và tách bỏ hạt vải. Cách tách hạt nhanh mà không khiến cùi vải bị mềm nát là dùng dao khứa đôi quả theo chiều dọc, rồi nhẹ nhàng tách quả ra và loại bỏ hạt.
Củi vải tách xong nên dùng rượu tráng sơ qua để rượu không bị nổi váng.
Cho cùi vải vào bình rồi đổ rượu vào ngâm. Dùng vỉ chèn xuống sao cho vải ngập hoàn toàn trong rượu, không bị nổi lên trên gây váng mốc.
Rượu vải ngâm khoảng 3 tháng là dùng được. Nếu muốn để lâu hơn, sau khi ngâm 1 năm bạn nên vớt cùi vải ra để rượu không bị đục.
Rượu vải có mùi thơm và vị ngọt nhẹ. Ảnh: Internet
Rượu ngâm atiso
Nguyên liệu
- 2kg hoa atiso đỏ (hoa bụp giấm)
- 1kg đường phèn
- 1 lít rượu nếp
Cách làm
Hoa atiso đỏ khi mua về dùng dao cắt bỏ phần cuống và hạt, chỉ lấy phần cánh hoa. Ngâm hoa vào thau nước muối loãng để làm sạch và giúp cánh hoa mềm hơn, khi rửa không bị gãy nát.
Hoa atiso sau khi rửa sạch và để khô ráo thì cho vào bình thủy tinh xen kẽ với đường phèn. Sau đó đổ rượu nếp vào bình, đậy kín nắp và đặt bình rượu nơi thoáng mát
Ủ rượu ít nhất 3 tháng rồi mới đem ra sử dụng. Rượu atiso để càng lâu càng lên màu đẹp và uống cũng ngon hơn.
Một số lưu ý đối với rượu ngâm hoa quả uống Tết
Cách làm rượu trái cây không khó, tuy nhiên, để sở hữu một bình rượu hội tụ đủ 4 yếu tố: hương – sắc – vị – hậu vị không phải ai cũng làm được. Dưới đây là một số lưu ý khi ngâm rượu cũng như cách sử dụng để đem lại hiệu quả tốt cho sức khỏe.
Ngâm rượu hoa quả ngày tết bao lâu sử dụng được?
Đối với rượu sử dụng các loại hoa quả như dâu, táo, mận… chỉ cần ngâm từ 3 – 4 tuần là có thể thưởng thức. Với những loại trái cây có vị chua ngọt, ít vị chát thì sau khi ngâm từ 3 – 6 tháng là có thể sử dụng.
Rượu để càng lâu sẽ càng ngon nhưng tốt nhất là nên thưởng thức sau khi ngâm từ 12 – 18 tháng. Rượu có thời gian ủ quá lâu có thể sinh ra axit oxalic – một loại axit gây ngộ độc.
Nên uống rượu hoa quả trong vòng 18 tháng kể từ ngày ngâm để đảm bảo an toàn. Ảnh: Internet
Cách uống rượu hoa quả ngày Tết để đảm bảo sức khỏe
- Ăn nhẹ trước khi uống rượu, tránh để bụng đói khiến nồng độ cồn trong máu tăng cao.
- Nên uống từ từ, vừa uống vừa ăn và trò chuyện để giải rượu.
- Không nên ăn các loại kẹo, bánh mứt quá ngọt hoặc các loại thực phẩm cay nồng trong khi uống rượu sẽ khiến cơ thể nhanh bị mệt.
- Không nên kết hợp rượu với các loại nước ngọt có gas, soda có chứa caffeine vì sẽ làm đẩy nhanh quá trình chuyển hóa rượu, gây đau đầu, chóng mặt.
- Nên sử dụng rượu hoa quả trong vòng 18 tháng kể từ ngày ngâm để đảm bảo hương vị cũng như độ an toàn.
Uống rượu hoa quả ngày Tết nên uống bao nhiêu là tốt?
- Rượu hoa quả tốt cho sức khỏe nhưng sẽ phản tác dụng nếu sử dụng quá liều lượng. Mỗi lần chỉ dùng từ 1 – 2 ly là tốt nhất. Liều dùng phù hợp với nữ giới là bằng 1/2 nam giới.
- Lượng rượu khuyến cáo nên dùng mỗi ngày là 100ml chia 3 lần khai vị cho 3 bữa ăn.
- Phụ nữ có thai tuyệt đối không nên sử dụng rượu bia.
Nếu bạn đang lên thực đơn dinh dưỡng cho những ngày đầu năm mới, đừng bỏ qua các loại rượu trái cây mùa Tết trên đây nhé. Với công thức ngâm ủ rượu mà Dạy Pha Chế Á Âu vừa chia sẻ, hy vọng sẽ giúp bạn có được những bình rượu thật ngon, thật đẹp để đón năm mới may mắn, nhiều sức khỏe và niềm vui.
Tiếp theo, mời bạn tham khảo bài viết cách làm cocktail trái cây tại website của chúng tôi ngay nhé.