Ao ước tốt nghiệp ngành Y được làm bác sĩ nội trú
Con đường ngắn nhất mà ắt hẳn tất cả các tân bác sĩ đều ao ước: Đậu bác sĩ nội trú.
Lại một mùa tốt nghiệp nữa sắp đến, một lứa bác sĩ nữa sắp ra trường. Có lẽ không hiện hữu trên từng khuôn mặt nhưng chắc hẳn tân bác sĩ nào cũng có những trăn trở, những trăn trở ấy tuy riêng nhưng không hề riêng.
Trong lúc những anh chị bác sĩ nhiều năm gắn bó, cày cuốc ở bệnh việc công đang trăn trở việc đi hay ở lại, thì chúng tôi, những bác sĩ mới chân ướt chân ráo bước ra từ cánh cổng trường đại học cũng chất chứa nhiều trăn trở. Và không ngoại lệ, những bước chân đầu tiên bao giờ cũng nhiều bỡ ngỡ.
>> ‘Lương bác sĩ mới ra trường không nổi hai triệu đồng’
Nhân dịp có một chút đặc biệt như thế, tôi – một bác sĩ tuy không mới nhưng cũng không cũ (tôi tốt nghiệp được non một năm) xin có vài dòng chia sẻ về những con đường có thể đi sau khi tốt nghiệp:
Thứ nhất, con đường ngắn nhất mà ắt hẳn các tân bác sĩ ao ước: Đậu bác sĩ nội trú. Sẽ mất ba năm cho combo bằng bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa I và chứng chỉ hành nghề.
Dù phải đóng học phí nhưng bù lại thì sẽ có một khoản lương, tuy sẽ không nhiều nhưng “méo mó có hơn không”. Dù vậy, đây là một cánh cửa hẹp, chỉ một số lượng nhất định bác sĩ chịu khó “cày cuốc”, có năng lực và sức khoẻ mới “chen chân” vào lọt bảng vàng của kỳ thi nội trú.
Con đường thứ hai, theo lẽ tự nhiên, tốt nghiệp rồi thì đi làm thôi, các bác sĩ có thể xin vào các bệnh viện, đi làm rồi sau đó xin đi học, hoặc được cử đi học tiếp. Con đường này sẽ dài hơn, trắc trở hay ít trắc trở thì còn tuỳ duyên ở mỗi người.
Sẽ mất khoảng gần hai năm để có chứng chỉ hành nghề và tổng khoảng hơn bốn năm để có được bằng chuyên khoa I. Một lưu ý nhỏ là nên đọc kỹ luật lao động và các điều khoản trong hợp đồng khi xin việc.
Một con đường khác: Đi học tự túc. Mà đi học thì đóng học phí là lẽ đương nhiên. Nhược điểm của con đường này là không lương và có học phí, còn về học gì? Có nhiều khoá học: lớp thực hành 18 tháng ở các bệnh viện, thạc sĩ, các lớp định hướng và các khoá ngắn hạn về siêu âm, da liễu, dinh dưỡng…
Con đường này dành cho những bạn có điều kiện, nhà có kinh tế, không quá áp lực về tài chính. Học 18 tháng thì bạn sẽ được phân vào các khoa của bệnh viện, có người hướng dẫn, tập quen cách làm việc cũng như bổ sung, củng cố chuyên môn. Học xong, các bạn có chứng chỉ hành nghề, đi làm rồi học tiếp chuyên khoa. Còn học thạc sĩ thì phải đợi có đợt thi, thi đậu thì tất nhiên là đi học, học xong thì đi làm để lấy chứng chỉ hành nghề.
>> ‘Học giỏi sao không làm bác sĩ, kỹ sư?’
Thời gian cần thiết cho cả quá trình cũng đâu đó ngoài bốn năm. Nhìn chung, đích đến cuối cùng của các tân bác sĩ là tấm chứng chỉ hành nghề. ” Đường nào cũng về La Mã”, vấn đề chỉ là thời gian, và dù đi đường nào thì mấu chốt vẫn là học, học nữa, học mãi (có thể là tự học, học từ sách vở, thầy cô, đồng nghiệp) đó là đặc tính của hành Y.
Còn có một con đường nữa, cũng khá là tối ưu và nhẹ nhàng: quay đầu là bờ. Một ngành nghề khác, ít áp lực, đỡ phải gian nan, không bị rượt đuổi, bóp cổ, hành hung…
Tôi không có thuật phân thân, nên chỉ có thể đi thẳng, hoặc quẹo trái hoặc quẹo phải nên chỉ có thể đưa ra ý kiến về con đường tôi đang đi, nên nó mang tính chất chủ quan. Giống như việc điều trị, luôn phải đề cao việc cá thể hoá, nên con đường tốt nhất để đi là con đường phù hợp với chính bạn.
Đoàn Thị Thuỳ Linh
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.