7 lễ hội mùa Xuân nổi tiếng ở miền Bắc
8,666
lượt xem
Một phần rất lớn trong số hơn 7000 lễ hội trên toàn quốc là các lễ hội Xuân gắn với “tháng ăn chơi” của người Việt theo quan niệm cũ. Ở đó, du khách có thể tìm gặp những nét văn hóa truyền thống độc đáo đã được lưu giữ từ nhiều thế kỷ. Dưới đây là những lễ hội lâu đời nhất tại Việt Nam và thường xuyên được du khách quan tâm.
Lễ hội chùa Hương (mùng 6 âm lịch)
Lễ hội chùa Hương có thể tạm coi là hội Xuân lớn nhất cả nước, khi kéo dài trong gần 3 tháng (bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến hết tháng 3 âm lịch).
Lễ hội này gắn liền với cụm di tích thắng cảnh chùa Hương (Mỹ Đức, Hà Nội), vốn là một trung tâm Phật giáo và một “đại danh lam” của xứ Đàng Ngoài ngay từ thế kỷ XV. Đặc biệt, năm Canh Dần (1770) Trịnh Sâm đã phong nơi đây là “Nam thiên đệ nhất động”.
Theo truyền thuyết, ngày khai hội chùa Hương mùng 6 tháng Giêng vốn gắn với ngày lễ khai sơn (lễ mở cửa rừng) của địa phương. Tuy nhiên, không đợi đến ngày khai hội, thông thường, từ ngày mùng 2 Tết đông đảo người dân đã nườm nượp đến trẩy hội. Theo BTC, lễ hội năm nay vẫn áp dụng nguyên mức phí như năm 2019: vé thắng cảnh 80.000/khách, vé đò là 50.000/khách/2 lượt và không thu vé trong các ngày mùng 1, mùng 2 Tết.
Lễ hội Gò Đống Đa (mùng 5 âm lịch)
Là lễ hội Xuân hiếm hoi diễn ra ngay giữa nội thành Hà Nội, hội Gò Đống Đa tổ chức hàng năm vào ngày mùng 5 tết Nguyên Đán tại gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, Hà Nội. Đây là lễ hội nhằm tưởng nhớ chiến thắng xuân Kỷ Dậu 1789, khi vua Quang Trung đánh tan 29 vạn quân Thanh và giải phóng Thăng Long vào ngày mùng 5 Tết.
Hội gò Đống Đa vào sáng mùng 5 Tết.
Theo truyền thống hàng năm, Hội gò Đống Đa là dịp để nhân dân dâng hương hoa, ôn lại chiến thắng lẫy lừng của dân tộc và tham gia các trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ. Từ năm 2019, nhân kỷ niệm 230 năm chiến thắng Kỷ Dậu, lễ hội này đã được tổ chức công phu và quy mô hơn với các nét văn hóa tương đồng với lễ hội Tây Sơn Thượng đạo (An Khê – Gia Lai), Tây Sơn Hạ đạo (Bình Định).
Lễ hội Gióng Sóc Sơn (mùng 6 âm lịch)
Khai hội vào ngày mùng 6 âm lịch hàng năm, lễ hội Gióng tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn (Hà Nội) gắn với địa điểm tương truyền là nơi dừng chân cuối cùng của Phù Đổng Thiên Vương trước khi bay về trời. Cùng với lễ hội Gióng tại Phù Đổng (nơi sinh Thánh Gióng), lễ hội này từng được UNESCO đưa vào danh mục Di sản văn hóa Phi vật thể của nhân loại năm 2010.
Rước giò hoa tre tại hội Gióng Sóc Sơn.
Chỉ diễn ra cách Hà Nội 30 km, Lễ hội Gióng Sóc Sơn luôn thu hút một lượng lớn du khách trong 3 ngày mùng 6, 7 và 8 âm lịch. Trong đó chính hội là mùng 7, ngày thánh hóa theo truyền thuyết. Nghi lễ chủ yếu trong ngày chính hội là dâng hoa tre ở đền Thượng (thờ Thánh Gióng) và chém tướng giặc.
Hội chợ Viềng (mùng 7 âm lịch)
Phiên chợ Viềng “mua may bán rủi”, ít tính thương mại nhưng lại đậm ý nghĩa cầu may theo quan niệm truyền thống, diễn ra vào các đêm mùng 7 và mùng 8 Tết tại Kim Thái (Vụ Bản, Nam Định).
Đặc biệt, khu vực này lại nằm cạnh quần thể di tích Phủ Dầy với hơn hai mươi di tích lớn nhỏ thờ mẫu Liễu Hạnh – một trong “tứ bất tử” của Việt Nam – nên thường xuyên là một điểm đến của du khách trong dịp Xuân.
“Mua may bán rủi” tại chợ Viềng.
Hiện tại, các mặt hàng ở chợ Viềng rất đa dạng – trong đó nhiều nhất là thịt bê thui và thịt dê. Ngoài ra, chợ Viềng cũng là nơi bày bán từ đôi quang gánh, chiếc thúng, chiếc mủng, đơm, đó, giỏ cua cá hay chiếc đòn gánh, liềm, cuốc xẻng hoặc những sản phẩm dùng cho cuộc sống hàng ngày như quần áo, thực phẩm, sách vở, đồ chơi trẻ em… cùng trăm ngàn vật dụng khác như cây cảnh, bát ăn, kéo cắt gà. Bởi thế, mỗi du khách đều có thể lựa chọn cho mình một vài món đồ phù hợp để mua “lấy may” cho mình.
Lễ hội Yên Tử (mùng 10 âm lịch)
Lễ hội Yên Tử (thuộc xã Thượng Yên Công, huyện Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh) khai mạc vào ngày 10/1 âm lịch. Đây là lễ hội lớn, gắn với không gian của non thiêng Yên Tử – nơi vua Trần Nhân Tông về đây tu tập và khai sinh ra trường phái Trúc Lâm Yên Tử. Bởi vậy, Yên Tử là nơi lưu giữ tinh hoa văn hóa Phật giáo lâu đời của Việt Nam và cũng là nơi gắn với những cảnh đẹp đặc biệt mà đất trời mang lại.
Hành hương lên chùa Đồng, Yên Tử
Đây cũng là một lễ hội kéo dài suốt 3 tháng sau ngày khai hội mùng 10 tháng Giêng. Thông thường, vào mùa xuân, hàng vạn du khách vẫn tới đây hành hương, tìm lên chùa Đồng trên đỉnh núi để được tách mình khỏi thế giới trần tục, thực hiện cuộc hành hương tôn giáo giữa thiên nhiên hùng vĩ. Ngoài ra, dịp khai hội thường có thêm những hoạt động như Bái Tổ Trúc Lâm, lễ dâng hương cúng Phật, diễn xướng văn hóa dân gian, múa Rồng Lân, trò chơi dân gian…
Lễ hội Lim (ngày 12 âm lịch)
Gắn liền với các làn điệu quan họ, hội Lim là lễ hội lớn nhất của tỉnh Bắc Ninh, diễn ra tại 3 địa phương bao quanh đồi Lim (huyện Tiên Du) là xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng 3 ngày từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm.
Hát quan họ tại Hội Lim.
Trong đó, ngày 13 là chính hội với các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng Ân.
Ngoài phần lễ, hội còn có nhiều trò chơi dân gian như đấu võ, đấu vật, đấu cờ, đu tiên, thi dệt cửi, nấu cơm… và đặc sắc hơn cả là phần hát hội – khi các làng quan họ xung quanh mang liền anh, liền chị tới hát giao duyên, hát đối đáp, thi hát với nhau ở trên bờ, dưới bến. Nếu muốn, du khách có thể tới chơi hội từ tối 12 để nghe các canh quan họ cổ tại nhà các nghệ nhân.
Lễ hội Bà Chúa Kho (ngày 14 âm lịch)
Đây cũng là một lễ hội lớn tại miền Bắc, nhất là đối với giới kinh doanh, làm ăn buôn bán. Đầu năm đi xin lộc, cuối năm trả lễ bà chúa Kho từ lâu đã trở thành phong tục lâu đời của người dân Việt Nam. Theo phong tục này, du khách phải dâng sớ xin lộc (để sau này tới trả lễ), mong cho năm sau vốn liếng dồi dào, làm ăn tốt hơn.
Lễ hội Bà Chúa Kho
Khai hội vào ngày 14 tháng Giêng, nhưng từ đầu năm, mỗi ngày, khu đền Bà Chúa Kho luôn chật kín người. Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng núi Kho thuộc thôn Cổ Mễ, phường Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh. Đền được xây dựng theo lối kiến trúc cổ từ thế kỷ XIX theo kiểu chữ T với những đường nét chạm khắc công phu. Ngoài ra, đền Bà Chúa Kho là một di tích lịch sử quan trọng nằm trong quần thể di tích Cổ Mễ.
Theo thethao&vanhoa