5 cách đối phó khi bị tẩy chay

Tẩy chay, chỉ “hành động phớt lờ hoặc loại trừ ai đó ra ngoài” (được sử dụng cho nhiều trường hợp cá nhân bị xã hội đẩy ra ngoài), gây tổn thương giống như mối nguy “đáng gờm” của sự cô đơn, điều này giải thích tại sao chúng ta lại hết sức nhạy cảm đề phòng nó như vậy (có thể xem thêm ở blog 10 cách giúp bạn vượt qua sự cô đơn). Chắc chắn giữa các cá nhân luôn có sự khác biệt về mức độ nhạy cảm, nhưng hầu như không ai tránh được bất kỳ sự buồn bã hay giận dữ nào khi người bạn đời “dùng chiêu” im lặng với mình hay không được người thân mời về họp mặt gia đình. Mọi người thường che giấu cảm xúc đau khổ trong sự xấu hổ vì việc bộc lộ ra dường như sẽ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Chẳng hiểu vì sao, chúng ta lại sợ hãi việc phải nói ra rõ ràng, cảm xúc của chúng ta đã trở nên “chai sạn”. Hơn nữa, chúng ta thường hay tự buộc tội bản thân sau khi bị tẩy chay, hoặc nghĩ rằng vì lý do nào đó chúng ta đáng bị như vậy hay chúng ta chỉ đang thổi phồng mọi việc và không nên quá nhạy cảm. “Đừng cư xử trẻ con như thế. Chẳng có ý nghĩa gì cả.” Hmmm! Thật không vậy?

Đôi khi cảm xúc của chúng ta đang gây trở ngại cho chính mình. Tôi hoàn toàn không phải là người ỷ lại, tôi cũng không thiếu tự tin. Đối diện với định hướng của cuộc đời không phải là vấn đề ngay cả khi có đi ngược lại với thế giới; đó là một thử thách thú vị như khi tôi nói nó là “hình tròn” còn mọi người lại nói là “hình vuông”… hoặc ngược lại. Tại sao tôi lại phải quan tâm mọi người đang làm gì chẳng hạn như khi người phụ nữ đó tôi rất ghét đột nhiên cắt ngang cuộc trò chuyện của chúng tôi, ngoảnh mặt đi và hét lên “Hiiiiii!” bằng giọng miền nam California và bắt chuyện với một người phụ nữ khác mà tôi cũng chẳng ưa. Tại sao tôi phải quan tâm hai người trong trận bóng chuyền ở trường còn chẳng thèm mời tôi ngồi chung để trao đổi công thức làm bánh? Việc cảm thấy bị tổn thương khi bị những người mà chúng ta yêu quý loại ra ngoài cũng có thể thông cảm. Nhưng sao lại bất chấp lý do bản thân bị mọi người tẩy chay khi thậm chí đã không bồi đắp tình cảm lại còn cự tuyệt?

Ngạc nhiên thay, Kipling Williams (giáo sư tâm lý học) và các cộng sự (vào năm 2000) trong một nghiên cứu đột phá họ phát hiện rằng chúng ta có để ý khi bị tẩy chay ngay cả trong thế giới ảo, và tôi không nói đến “sân chơi mới” ở mạng xã hội. Các nhà nghiên cứu đã thiết kế một trò chơi đơn giản gồm ba chấm nhỏ trên màn hình máy tính để ném bóng cho nhau trong đó có một dấu chấm đại diện cho người chơi. Hai người còn lại không tồn tại và các bước di chuyển của họ là do máy tính tạo ra. Khi hai người đó dần dần ngừng ném quả bóng ảo cho người chơi và chỉ ném cho nhau, người chơi thường báo cáo rằng ngày càng cảm thấy khó chịu, kiểm soát ít hơn và mất cảm giác thân thuộc. Trò chơi đã được 1.486 người từ 62 quốc gia tham gia. Những kết quả này có thể được mô phỏng ngay cả khi người chơi biết được trò chơi bị gian lận. Cảm thấy tồi tệ sau khi cảm thấy bị loại trừ ra dường như là một phản ứng sinh học.

Đó là một phần trong quá trình tiến hóa của chúng ta với mong muốn được kết nối vào “vòng tròn xã hội” (chỉ các nhóm xã hội) ngay cả khi những động vật bên ngoài có tệ hơn, như sư tử, hổ và gấu. Khi chúng ta rời khỏi nhóm, chúng ta muốn làm điều gì đó trong khả năng của mình. Thay vì bị trục xuất khỏi quê hương, sẽ tốt hơn khi chúng ta quyết định di cư và tự nguyện rời khỏi “miền đất hứa” của mình. Khi người hướng nội lắng nghe nội tâm họ và tự đưa ra quyết định, họ sẽ là những người quay lui trở lại. Có thể họ có động lực mạnh mẽ khi rời đi, nhưng việc bị trục xuất có thể khiến họ cảm thấy thảm hại.

Chúng ta sẽ làm gì khi bị tẩy chay? Dưới đây là một số gợi ý để bạn lựa chọn.

1) Giữ tính nghiêm túc

Cảm giác tồi tệ sau khi bị tẩy chay không phải là phản ứng thần kinh mà là phản ứng của con người. Nhìn thẳng vào cảm xúc của bạn với tâm trí tò mò, hãy hiểu theo cách rằng việc tẩy chay tồn tại, xảy ra dù vô tình hay cố ý, nó có thể bị lợi dụng để khai trừ nhóm hoặc một cá nhân. Trở nên khôn ngoan một chút và cân nhắc đến bức tranh toàn cảnh hơn. Ai được hưởng lợi bởi sự tẩy chay? Nó có làm giảm sự lo lắng ở một hoặc nhiều người không? Khi chúng ta suy nghĩ thấu đáo, chúng ta sẽ tạo không gian cho cảm xúc của mình vừa đủ để giữ sự điềm tĩnh và tập trung.

2) Giữ tính khôi hài

Vì vậy, ai đó đã quyết định phớt lờ hoặc loại bạn ra ngoài. Điều bất hạnh gì thực sự đã xảy ra? Bạn có từng thấy sư tử, hổ hay gấu không? Môi trường của bạn có giống với một khu rừng nguy hiểm không? Hay bạn sẽ phản ứng như một chú mèo khi nhìn thấy quả dưa chuột, giật nảy mình vì hoảng sợ nếu như thứ màu xanh lá cây đó là rắn mamba đen (một loài rắn độc đặc hữu tại châu Phi hạ Sahara)? Nếu bạn muốn tỏ vẻ không quan tâm, vậy thì bạn hãy cười trừ. Như tôi đã bàn luận trong tác phẩm Lý thuyết thống nhất về hạnh phúc, sự thư thái có thể học đến suốt cuộc đời (Chương 12).

3) Đứng trên lập trường của người khác

Điều cuối cùng trong tâm trí của bạn có thể là sự đồng cảm, nhưng cố gắng hiểu đối phương cũng có thể vô cùng hữu ích. Nguyên nhân cơ bản của sự tẩy chay không phải là làm tổn thương người bị tẩy chay mà là bản năng tự vệ. Mỗi chúng ta đều đang đấu tranh trong cuộc chiến vô hình. Có thể người tẩy chay đang rất cần được xoa dịu bởi một người khác ngoài bạn. Có thể người đó bị kích động bởi một điều gì đó mà bạn hiểu được ít hay do không có gì làm. Mặc dù nguyên nhân chính xác thường không thể xác định chắc chắn, nhưng đều có liên quan đến nỗi đau và sự lo lắng. Hãy tự bảo vệ mình, nhưng hãy tha thứ khi bạn có thể.

4) Chống lại

Bởi vì sự tẩy chay có thể xảy ra vô tình hoặc không có lý do chính đáng và lâu dài, hãy đứng lên và nhắc nhở đối phương về sự tồn tại của bạn. Thế nhưng chỉ làm điều này khi bạn đã cảm thấy bình tĩnh và tự tin.

5) Kết nối bản thân

Nếu bạn không thể kết nối lại với mọi người, hãy tập trung yêu quý bản thân, theo cách riêng của bạn. Hiểu và thông cảm với bản thân như đối với người bạn thân nhất. Nếu cần, hãy tìm kiếm một người bạn thân. Điều quan trọng nhất là củng cố kết nối của bạn với cuộc sống khi nó bộc lộ trong bạn. Bất kể điều gì xảy ra trong quan hệ xã hội, bạn luôn là một “phép màu sống” được tạo nên từ “ma thuật”, một phần của tạo hoá có thể gắn với Chúa hay điều mà người theo thuyết bất khả tri gọi là sự tồn tại của các vị thần.

————

Dịch bởi: Uyen Nguyen 

Biên tập: Rabbie

Ảnh: pexels

[Online] Available at: <https://www.psychologytoday.com/us/blog/unified-theory-happiness/201612/5-ways-cope-ostracism> [Posted December 24, 2016]