Ra trường, Phong không đi tìm việc làm như bạn bè mà về quê phụ giúp ba, mẹ làm vườn ở tổ 4, ấp Cây Da, xã Bình Lộc (TX. Long Khánh). Cũng bắt đầu từ đây, Phong đâm ra “nghiện” Facebook, chủ yếu để giao lưu với bạn bè trong lúc rảnh rỗi. Khi nghe tin địa phương có chủ trương phát triển du lịch vườn, Phong nảy ra ý tưởng khởi nghiệp từ chính mảnh vườn của gia đình. “Nhà chỉ có gần một ha chôm chôm, thu nhập không là bao. Mình muốn thay đổi lối làm ăn, bằng cách thông tin giá cả các loại trái cây trên mạng, rồi mở cửa vườn cho khách vào tham quan. Khách tự hái trái cây ăn thỏa thích, nếu ăn không hết mang về thì mình tính tiền theo giá thành. Khách có nhu cầu ăn, uống thì làm gà ba món: cháo, gỏi hoặc nướng. Vậy là có thể phục vụ khách được rồi”, Phong kể. Sau khi tìm hiểu và nhận thấy nhu cầu du lịch vườn ngày càng gia tăng nhất là trong giới trẻ, Phong nhanh chóng ra mắt cộng đồng mạng trang Facebook “Vườn trái cây Long Khánh Út Tiêu”.
Trần Quốc Phong
“Khai trương” ngay cao điểm mùa thu hoạch trái cây, trang Facebook giới thiệu đặc sản chôm chôm của Phong nhanh chóng được nhiều cư dân mạng “ghé” thăm. Rồi khách du lịch ở Biên Hòa, ở TP. Hồ Chí Minh theo địa chỉ, số điện thoại kéo về “khám phá” vườn chôm chôm của ông chủ trẻ Út Tiêu.
Thấy con vất vả, chạy tới lui đón khách, bà Võ Thị Hồng, mẹ Phong nhận trách nhiệm làm phụ bếp, chế biến các món ăn và quán xuyến việc thu chi; còn ông Trần Thuận, ba Phong thì lo dọn dẹp sắp xếp chỗ ngồi, hướng dẫn khách tham quan. Riêng Phong có trách nhiệm đón khách tít ngoài trung tâm xã để đưa vào tận vườn. Chẳng mấy chốc, cả 3 thành viên trong gia đình “mệt phờ” vì liên tục phục vụ nhiều đoàn du khách hằng ngày đến tham quan. Mệt nhưng ai cũng vui.
Tiếng lành đồn xa. Những ngày cuối tuần như thứ 7, chủ nhật vừa qua, mỗi ngày có trên trăm khách đến tham quan vườn chôm chôm của Út Tiêu. Nhiều du khách từ TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Tây Ninh và cả Hà Nội có dịp đi ngang Long Khánh cũng tranh thủ ghé thăm.
Xong việc, tối đến tuy mệt lã nhưng “ông chủ vườn” Trần Quốc Phong lại dành thời gian lang thang trên Faecbook để xem bình phẩm của cư dân mạng sau khi ra về. “Mát mẻ, chủ vườn dễ thương, đồ ăn ngon. Mong vườn luôn phát triển”, Facebooker Trịnh Nguyễn chia sẻ; “Chủ vườn nhiệt tình, dễ thương, làm gà nướng rất ngon. Chúc vườn có thật nhiều khách ”, Facebooker Ðom đóm viết ; “Ở thành phố ngột ngạt, về quê không khí trong lành, cậu chủ nhỏ nhiệt tình”, Facebooker Trần Yến bình phẩm… Hầu hết là lời khen cũng khiến “ông chủ trẻ” phơi phới niềm vui, tràn đầy hạnh phúc.
Du khách nghỉ ngơi tại vườn trái cây của Út Tiêu
Khác với con trai, ba Phong, ông Trần Thuận tỏ ra lo lắng vì sợ không đủ điều kiện phục vụ du khách. “Cũng muốn phát triển để thành điểm du lịch vườn, nhưng kinh tế gia đình còn khó khăn quá chưa đủ sức đầu tư bài bản, quy mô. Cũng nhờ gia đình thiệt tình, phục vụ chu đáo, nên khách chưa phàn nàn gì. Bây giờ vừa làm vừa sửa sang thêm để phục vụ tốt hơn nhu cầu du khách”, ông Thuận nói. Cũng may, nhờ thông tin trên mạng “nhanh như điện xẹt” nên đã “cứu thua” chủ vườn không ít phen. Mới nhất, hôm qua Chủ nhật 9-7, do phải tiếp 2 đoàn khách đông của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TP. Hồ Chí Minh nên chủ vườn đành phải thông báo trên mạng như sau: “Tình hình chủ nhật (9-7) khách đã đặt chỗ khá đông, chủ vườn không nhận khách đặt chỗ nữa nhé! Còn thứ hai trở đi mọi việc hoạt động bình thường, mong thông cảm”.
Phó bí thư, Chủ tịch HÐND xã Bình Lộc Nguyễn Dương Tâm Mẫn cho rằng, việc Út Tiêu làm du lịch vườn ở độ tuổi thanh niên làm cho nhiều người nể phục. Ông Mẫn cho biết thêm, ở xã Bình Lộc hiện có nhiều hộ dân đầu tư những khu vườn giải trí, có cả nơi lưu trú, cắm trại, ngắm cảnh dạng như du lịch sinh thái, do xu thế dân thành phố tìm về với nông thôn rất nhiều trong những ngày cuối tuần. “Dự báo được nhu cầu này, nên nhiều nông dân cũng đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế bằng các hình thức du lịch vườn, góp phần tăng thu nhập cho gia đình và địa phương”, ông Mẫn cho biết.
Theo ông Mẫn, để tiếp tục phát triển vững chắc hơn, Út Tiêu cần phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, cần làm bài bản hơn, làm sao để du khách đã đến một lần thì mong có lần thứ hai, thứ ba trở lại vườn.
Chắc chắn có nhiều thách thức với Út Tiêu trong phát triển mô hình du lịch vườn, vì thực sự ở địa phương chưa ai làm thành công. Ðó cũng là khó khăn chung đối với những ai “tiên phong” đi tìm cái mới.
“Người tiên phong làm du lịch vườn ở Bình Lộc tưởng chừng là một “lão nông tri điền” nào đó, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, nào ngờ đó là một chàng sinh viên vừa mới ra trường. Thật đáng nể!”, Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Phạm Văn Hoàng khẳng định.
Cần định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương Trưởng ban Tuyên giáo Thị ủy Long Khánh Phạm Văn Hoàng cho rằng: “Để nông dân mạnh dạn, tích cực, chủ động chuyển đổi cơ cấu kinh tế, xem du lịch vườn là kinh tế mũi nhọn theo tinh thần Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị, rất cần có sự định hướng và hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự liên kết của các hộ dân, các doanh nghiệp (ngành Du lịch) để tạo nên một hoặc nhiều vùng du lịch phát triển ổn định và bền vững, nâng cao thu nhập của nông dân”. |
H. Long